Những Thuyền trưởng can trường của Đoàn tàu không số

(VOH) - Cách đây vừa tròn 50 năm, thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, ngày 23-10-1961, Bộ đội Hải quân Việt Nam quyết định thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Đoàn 125 Hải quân ngày nay) để vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam với mật hiệu “Đoàn tàu không số”. Suốt chiều dài của lịch sử, “Đoàn tàu không số” với tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã làm nên trang sử vẻ vang của bộ đội Hải quân, trở thành huyền thoại chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, phóng viên Quốc Dũng có bài viết về những vị thuyền trưởng can trường đã ghi tên mình vào huyền thoại tàu không số.


Một tàu không số đang vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. ảnh: Internet.

Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành huyền thoại bất tử, gắn liền với những chiến công hiển hách của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đi trên những con tàu không số không chỉ là những chiến sĩ Hải quân mà còn là những cảm tử quân. Vượt biển Đông vào Nam là đi vào nơi tử địa, vượt qua vòng vây dày đặc tàu chiến và máy bay địch. Suốt 14 năm trời, những con tàu nhỏ chỉ 50-100 tấn mà dám vượt ba bốn ngàn hải lý để vận tải vũ khí chi viện cho miền Nam là chuyện chưa từng có trong lịch sử hàng hải thế giới. Họ là những người anh hùng đích thực. Có mặt từ chuyến vượt biển mở đường đầu tiên trên con tàu không số, nhằm tìm hiểu để mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển là thuyền trưởng Đặng Bá Tiên - người con ưu tú của quê hương Thanh Hóa anh hùng.
Ông Đặng Bá Tiên, sinh năm 1931, vị thuyền trưởng đầu tiên của đoàn tàu không số, nhớ lại: Cách đây 50 năm, thực hiện chỉ thị của Trung ương, Bến Tre - nơi khởi đầu phong trào Đồng Khởi, gấp rút tổ chức 2 đội tàu. Đội thứ nhất do ông làm thuyền trưởng và 5 thủy thủ gồm: Nguyễn Văn Tiến, Huỳnh Văn Mai, Nguyễn Văn Bê, Nguyễn Nhung, Nguyễn Văn Đức. Những năm ấy, trong điều kiện bị phong tỏa cả đường thủy, đường bộ, thiếu thốn vũ khí, thuốc men, các lực lượng cách mạng đã được nhân dân hết lòng ủng hộ. Việc chuẩn bị cho 2 đội tàu rất khó khăn, thiếu thốn, dựa hoàn toàn vào sự trợ giúp của cơ sở cách mạng. Máy móc, thuyền, ngư cụ phải nhờ cơ sở mua mỗi nơi một ít. Giữa lòng địch, ngày ngụy trang, đêm làm việc, con tàu được gấp rút hoàn thành. Ông Tiên tự hào: “Những năm ấy, thanh niên trai tráng chúng tôi tràn đầy sức sống, lòng phơi phới niềm tin vào cách mạng. Tuy điều kiện khó khăn, nhưng 6 anh, em chúng tôi quyết tâm vượt biển bằng con thuyền nhỏ bé khởi hành vào ngày 1/6/1961…"Vừa đi vừa tránh địch, vượt qua sóng gió đại dương mênh mông, 9 ngày sau, con thuyền nhỏ nhoi đã cập bờ Hà Tĩnh. Con thuyền nhỏ nhoi đã lập nên kỳ tích vượt qua sóng to, gió cả và những bất trắc giữa đại dương, đi đến đích thắng lợi. Thuyền trưởng Đặng Bá Tiên, bồi hồi nhớ lại chuyến đi lịch sử cách đây 50 năm:

Mô tả về tàu không số mở đường, ông Nguyễn Văn Đức - cựu Thuyền trưởng của tàu không số, ông cũng là một trong 6 người đầu tiên vượt trùng dương vào ngày 1/6/1961 đã làm mọi người giật mình: Gọi là thuyền, nhưng thực chất nó là chiếc xuồng gỗ nhỏ thôi. Hãy tưởng tượng, ngồi trên xuồng mà khoác nước rửa tay được, 6 anh em chúng tôi kéo được nó lên bờ để sửa chữa thì mới biết chiếc xuồng ấy bao lớn! Song, vấn đề của những người mở đường ngày ấy không phải là đối mặt với sức mạnh của thiên nhiên, của điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất mà chính là làm thế nào để qua mắt địch, đưa thuyền đến bến và hoàn thành sứ mệnh của mình. 14 năm tham gia đoàn tàu không số, ông Sáu Đức đã chỉ huy thành công hàng chục chuyến vượt biển, đưa hàng trăm tấn vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Tự hào về những ngày tháng hào hùng vượt biển chiến đấu, ông Nguyễn Văn Đức, nói:

Để có được những chuyến tàu thành công, trong suốt 14 năm ròng vượt biển trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã có biết bao tấm gương cán bộ-chiến sĩ thủy thủ của đoàn tàu mưu trí, dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh và mãi mãi nằm lại với đại dương mênh mông. Tổ quốc mãi mãi ghi công những người anh hùng đã thầm lặng hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Và cùng với sự hy sinh anh dũng của họ, còn là sự hy sinh cao cả của những người mẹ, người vợ cán bộ-chiến sĩ đoàn tàu không số. Đặc biệt là sự đóng góp sức người, sức của nhân dân miền Nam vào những kỳ tích mà đoàn tàu không số đã lập nên. Như trường hợp Má Nguyễn Thị Mười, hiện đã gần 90 tuổi. Năm 1961, Má Mười Riều hiến tặng 10 cây vàng cho cách mạng để mua thuyền, làm phương tiện cho cuộc hành trình ra Bắc vận chuyển vũ khí vào chiến trường. Không chỉ hiến tặng vàng mà Má còn gởi người con trai của Má là anh Lê Hà theo cách mạng mà sau nầy đồng chí Lê Hà cũng trở thành một thuyền trường tàu không số

50 năm qua, những những chuyến vượt biển chở vũ khí từ Bắc vào Nam như vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của ông Lê Hà-người thuyền trưởng cảm tử. Ông Hà, nhớ lại : Những chuyến tàu không số khi ra khơi phải cải trang thành những chiếc thuyền ngư dân đánh cá. Phương tiện đi biển cũng không có gì ngoài một chiếc la bàn nhỏ. Và, những chiến sĩ ấy cũng không mang theo bất kỳ giấy giờ tùy thân nào ngoài trái tim nóng hổi tràn đầy nhiệt huyết cách mạng. Thuyền trưởng Lê Hà, bồi hồi kể về chuyến tàu cuối cùng vào năm 1972, đó là một kỷ niệm nhớ nhất trong suốt quá trình ông tham gia đoàn tàu không số:

Trong suốt 14 năm liên tục từ 1961 đến 1975, tuyến “đường Hồ Chí Minh trên biển”, huyền thoại của bộ đội Hải quân đã có 1.789 chuyến tàu không số được vận chuyển 150 ngàn tấn vũ khí trang bị và 80 ngàn lượt cán bộ, vượt qua hàng vạn hải lý, khắc phục hơn 4.000 quả thủy lôi, chống chọi hơn 20 cơn bão, chiến đấu hơn 30 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần máy bay địch tập kích, bắn rơi 5 chiếc và bắn cháy nhiều tàu xuồng của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đánh giá về những chiến công của cán bộ-chiến sĩ đoàn tàu không số, Đại tướng Phùng Quang Thanh-Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định:

Với hàng ngàn chuyến hàng vận tải bí mật trên biển Đông, cùng với đường Trường Sơn-đường mòn Hồ Chí Minh trên đất liền, đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành con đường huyền thoại, duy nhất có trong lịch sử của các cuộc chiến tranh nhân dân trên thế giới
Thời gian dần qua, nhưng huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển và sự hy sinh quả cảm của cán bộ-chiến sĩ đoàn tàu không số vẫn mãi mãi ngời sáng trong trang sử oanh liệt của dân tộc ta như một thiên anh hùng ca bất tử, tô thắm truyền thống của Quân đội và Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Với những người lính đoàn tàu không số năm xưa, hôm nay, tuy trở về với đời thường, nhưng với họ, những kỷ niệm của một thời chiến tranh vẫn tươi nguyên như ngày nào và họ vẫn tiếp tiếp phát huy những phẩm chất của những người thủy thủ tàu không số, bởi họ luôn tâm niệm mình là Bộ đội Cụ Hồ./.