Thông tư 35/2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, đưa ra các quy định chi tiết về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, sử dụng GPLX quốc tế, và đào tạo kiến thức pháp luật giao thông đường bộ. Đáng chú ý, Điều 40 của thông tư này nêu rõ các trường hợp GPLX sẽ bị thu hồi.
Các trường hợp bị thu hồi GPLX
Theo quy định, các trường hợp sau đây sẽ bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi GPLX:
Không đủ điều kiện sức khỏe: Người lái xe không đáp ứng điều kiện sức khỏe theo kết luận của cơ sở y tế đối với từng hạng GPLX.
GPLX cấp sai quy định: Giấy phép được cấp trái với quy định của pháp luật, không đúng quy trình hoặc tiêu chuẩn.
Không nhận GPLX sau thời gian tạm giữ: GPLX đã quá thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mà người vi phạm không đến nhận lại và không có lý do chính đáng.
Khi phát hiện các trường hợp trên, trong vòng 3 ngày, thủ trưởng cơ quan cấp GPLX có thẩm quyền sẽ ra quyết định thu hồi và hủy bỏ giấy phép. Quyết định này phải nêu rõ lý do cụ thể của việc thu hồi.
Thủ tục thu hồi và nghĩa vụ của cá nhân
Người có GPLX bị thu hồi phải nộp lại giấy phép cho cơ quan cấp trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.
Trường hợp cơ quan cấp GPLX đã sáp nhập, chia tách, giải thể hoặc không còn thẩm quyền cấp, việc thu hồi và hủy bỏ sẽ do cơ quan quản lý sổ gốc thực hiện.
Trường hợp cấp lại GPLX:
Nếu GPLX bị thu hồi do không đủ điều kiện sức khỏe hoặc cấp sai quy định, người vi phạm có thể được cấp lại sau khi thực hiện các thủ tục theo quy định mới.
Trường hợp vi phạm không nhận GPLX:
GPLX bị thu hồi trong trường hợp không nhận lại sau thời hạn tạm giữ sẽ không còn giá trị sử dụng. Dữ liệu vi phạm của cá nhân này sẽ được cập nhật vào hệ thống quản lý của Cục Đường bộ Việt Nam.
Ngoài ra, người vi phạm không được cấp GPLX mới trong vòng 5 năm kể từ ngày bị phát hiện vi phạm. Sau thời hạn này, nếu có nhu cầu cấp lại, cá nhân phải tham gia đào tạo và sát hạch như trường hợp thi GPLX lần đầu.