Chờ...

Nợ bảo hiểm xã hội: Doanh nghiệp chây ì do chế tài chưa mạnh

(VOH) - Thực trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội của nhiều doanh nghiệp trên cả nước đã không còn mới, nhưng vẫn phổ biến và kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người lao động.

Khách mời của chương trình Đối thoại cùng chính quyền thành phố ngày 29/10. 

Dù Luật bảo hiểm đã có hiệu lực từ nhiều năm nay, nhưng vẫn có không ít đơn vị, doanh nghiệp cố tình tránh né và tìm đủ mọi cách đối phó, dẫn đến nợ đọng kéo dài. Trong khi đó, việc xử lý, chế tài được đánh giá là chưa đủ sức răn đe, còn tổ chức công đoàn thì lúng túng khi nhận trách nhiệm đứng ra khởi kiện. Đây là nội dung chương trình phát thanh trực tiếp Đối thoại cùng chính quyền thành phố của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM – VOH diễn ra vào sáng  29/10.

Tính đến hết tháng 9 năm 2016, tại TPHCM mức nợ đọng BHXH đã lên tới gần 3.000 tỷ đồng. Trên thực tế cho thấy để giải quyết tình trạng doanh nghiệp nợ dây dưa, tránh né đóng BHXH, BHXH TP đã phối hợp với thanh tra của Sở Lao động Thương binh và XH để khởi kiện những doanh nghiệp vi phạm, tuy nhiên để khởi kiện được những doanh nghiệp này không hề đơn giản.

Đánh giá về tình trạng này ông Cao Văn Sang – Giám đốc BHXH TP cho biết: ”Tình trạng chấp hành pháp luật không nghiêm mà chúng ta chưa xử lý được vì thiếu giải pháp. Mặc dù đã dùng mọi phương pháp như gửi công văn, nhắn tin cho doanh nghiệp đến nhờ báo chí đưa thông tin tuy nhiên người ta vẫn cố tình chiếm dụng vốn này do lợi nhuận từ vốn này còn thiệt hơn là đi vay ngân hàng mà nộp”.

Những câu hỏi của cử tri tham gia chương trình tập chung vào những vấn đề như không chốt được sổ BHXH để hưởng trợ cấp thất nghiệp do các doanh nghiệp nợ đọng BHXH hay có chủ bỏ trốn, người lao động rơi vào hoàn cảnh thực sự khó khăn, quyền lợi hợp pháp của họ bị đe dọa.

Thính giả Nguyễn Thanh Phương ở phường 10, quận 10, là tài xế cho Công Ty CP Đại Nam Việt từ năm 2005, đến tháng 3/2015 công ty cho thôi việc mà không báo trước, đồng thời cũng không chốt sổ bảo hiểm cho ông Phương.

Trả lời về vấn đề này ông Cao Văn Sang – GĐ BHXH TP giải thích: ”Anh Phương đã làm đúng quy trình, bị vi phạm thì chúng ta kiện ra tòa. Vấn đề ở đây là Tòa án Nhân dân Q.1 không chịu xử vắng mặt theo tôi là không đúng. Tôi đề nghị anh Phương tiếp tục khiếu nại lên Tòa án Nhân dân TP mới có thể xử lý việc này.

Tuy nhiên, theo tôi nghĩ cũng có thể công ty này đã phá sản rồi. Và trong trường hợp một doanh nghiệp mà đã phá sản thì gần như tất cả nghĩa vụ, quyền lợi tạm thời chấm dứt và trường hợp này sẽ rất khó khăn”.

Tương tự, chị Nguyễn Công Hoàng Yến, làm việc tại Công ty YanTV từ năm 2014, sau khi nghỉ thai sản vào tháng 3 năm 2015 thì công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho chị nữa.

“Hiện tại tôi không nhận được bảo hiểm thai sản cũng như BHTN và tôi cũng đã nộp đơn khiếu nại lên BHXH Q.10 và BHXH quận đã gửi đến thanh tra của Sở LĐTB&XH. Tuy nhiên, tôi không biết đến bao giờ họ mới trả sổ và đóng BHXH đúng với thời gian tôi đã làm việc. Tôi rất bức xúc vì hiện tôi đang có con nhỏ, không biết về phía các cơ quan chức năng thì tôi cần giải quyết vấn đề này thế nào” - chị Yến cho biết.

Với trường hợp người lao động nghỉ thai sản và chưa được đóng BHYT, BHTN, ông Cao Văn Sang – GĐ BHXH TP cho biết: ”Chị đã nghỉ việc rồi, tốt nhất chị nên khởi kiện công ty này ra tòa với tư cách là quyền lợi của mình bị xâm phạm. Tôi thấy công ty này họ nợ BHXH cho tất cả lao động nên họ không có đủ tiền để nộp.

Nhưng để xử lý riêng trường hợp của chị khi tòa án xử lý hình sự họ sẽ yêu cầu nộp riêng cho chị và công ty này có thể nộp được và căn cứ vào bản án tòa án chúng tôi sẽ thu và chốt sổ cho chị”.

Xung quanh vấn đề khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng từ đầu năm 2016 đến nay theo ông Trần Văn Triều – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật – Liên Đoàn Lao động TP thì chính quyền thành phố cần có chính sách và điều tiết về mặt chủ trương nhằm hạn chế việc chiếm dụng quỹ BHXH của các doanh nghiệp đồng thời hướng dẫn người lao động những biện pháp hỗ trợ để khởi kiện:

“Nếu NLĐ có nhu cầu khởi kiện thì liên hệ với Trung tâm tư vấn Pháp luật của LĐLĐ TP  tại số 215 Lê Thánh Tôn, Q.1, chúng tôi sẽ hướng dẫn các trình tự để NLĐ khởi kiện. Bên cạnh đó việc tranh chấp BHXH theo quy định của Luật lao động thì không cần qua hòa giải lao động mà chúng ta có những căn cứ để trực tiếp khởi kiện ra tòa mà không cần qua hòa giải lao động” - ông Trần Văn Triều cho biết.

Tham gia buổi đối thoại, ông Trần Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Sở LĐTB XH TP cho biết:“ Đối với các doanh nghiệp xảy ra nợ đọng BHXH và các vi phạm pháp luật lao động khác. Trong 09 tháng năm 2016, Thanh tra Sở LĐTB&XH đã phát hành 712 công văn nhắc nợ đối với 712 DN với tổng số tiền nợ là 142 tỷ, qua nhắc nợ có 61,4 tỷ được thu hồi vào quỹ BHXH.

Qua thanh tra, Sở ban hành 24 quyết định xử phạt thuộc thẩm quyền Chánh thanh tra với tổng số tiền phạt là 455 triệu đồng, có 13 quyết định đã chấp hành với số tiền hơn 181 triệu đồng. Kết quả trên là khá tích cực tuy nhiên do số lượng thanh tra viên còn ít so với yêu cầu nhiệm vụ”.

Trong gần 1 giờ đồng hồ trao đổi xung quanh việc phải làm thế nào giải quyết chế độ BHXH cho người lao động cũng như thu hồi nợ đọng từ các doanh nghiệp, chương trình cũng đã trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong các chính sách pháp luật còn vướng hiện nay. Ông Nguyễn Hồng Hà – Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP sau khi đánh giá cũng đã đề nghị phía BHXH TP có những định hướng, giải pháp đề xuất với Hội đồng Nhân dân TP để điều tiết lại chủ trương sắp tới.

Về nội dung này ông Cao Văn Sang – Giám đốc BHXH TP cho rằng: ”Các cơ quan Nhà nước trong đó có BHXH, Sở LĐTBXH và Liên Đoàn LĐ TP..cùng tác động để thực hiện các giải pháp mà luật pháp cho phép để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Bên cạnh đó NLĐ cũng có quyền tự bảo vệ quyền lợi cho mình. Đặc biệt là những người vừa nghỉ việc mà thấy quyền của mình bị xâm phạm thì kiện ngay nếu để chậm thì DN phá sản và trốn mất thì chúng ta không biết làm sao”.