Nỗi khổ của người lao động nhập cư

(VOH) - Trong xu thế công nghiệp hóa, đô thị hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ của nền kinh tế, số lượng người lao động nhập cư từ nông thôn ra thành thị, khu công nghiệp ngày càng tăng lên.

Lao động nhập cư khó tiếp cận các dịch vụ xã hội. Ảnh: tintuc

Thu nhập dưới mức sống tối thiểu

Người lao động nhập cư rời quê, xa nhà để tìm kiếm việc làm, tìm kiếm cơ hội cải thiện cuộc sống. Song, khi môi trường sống thay đổi đã khiến họ gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro. Mặt khác, do nhận thức về cuộc sống nơi đô thị và kiến thức pháp luật chưa đầy đủ, họ rất dễ gặp những nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi, an toàn tài sản và thậm chí cả tính mạng, dẫn tới tác động không tốt đến kinh tế - xã hội. Đi sâu vào từng cuộc sống, từng câu chuyện của họ, chúng ta thấy toát lên 2 vấn đề cần suy ngẫm. Trước hết là những gánh nặng mưu sinh, những khó khăn bất trắc... Tiếp đó, là sự cần thiết của những cam kết từ các nhà hoạch định chính sách để cải thiện cuộc sống và đảm bảo quyền lợi cho người lao động nhập cư.

Năm 2002, anh Đỗ Văn Hùng rời quê nhà ở Vĩnh Phúc vào TPHCM tìm việc làm. Dù xuất phát điểm là tấm bằng trung cấp cơ khí nhưng khi được tuyển dụng làm việc thì Hùng chỉ được công ty trả mức lương như một công nhân lao động phổ thông đơn thuần, tăng ca liên tục nhưng thu nhập vẫn không đủ sống. Cuối cùng, Hùng quyết định đạp xe đạp từ quận 12, đến các KCN ở Đồng Nai để tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Có một thực tế là khi tuyển dụng thì công ty nào cũng đòi bằng cấp nhưng khi trả lương cho người lao động thì không phải vậy. Có lúc, khi xin việc, Hùng bỏ luôn tấm bằng trung cấp nghề của mình – và vẫn là một công nhân phổ thông như hàng trăm ngàn công nhân khác. Sau một thời gian dài bám trụ nơi đất khách gánh nặng mà Hùng gặp phải đó là thu nhập vẫn thấp so với mức sống tối thiểu, trăn trở với chi phí nhà trọ, tiền gửi con nhà trẻ, tiền ăn uống sinh hoạt, ốm đau bệnh tật…Chưa có điều kiện vui chơi giải trí về mặt tinh thần. "Thu nhập thấp thì ảnh hưởng đến đời sống rất nhiều. Vui chơi thì cũng đâu có thời gian do phải tăng ca. Tăng ca thì mới có thu nhập cao hơn. Nhưng khi cả hai vợ chồng cùng tăng ca hết thì con đi học  bốn giờ rưỡi, năm giờ ra rồi không có ai đón. Khi nào nhà nước lên lương thì tiền nhà trọ đã lên trước rồi. Thậm chí xăng lên giá thì nhà trọ cũng lên nữa", anh Hùng tâm sự.

Câu chuyện của anh Phan Đức Gia Định - quê ở Lâm Đồng cũng có nét tương đồng với trường hợp của Đỗ Văn Hùng. Vào Nam tìm việc từ năm 1997, một mình bơ vơ nơi xứ người, anh đã gặp nhiều khó khăn để tìm việc làm, dù đã được đào tạo nghề nhưng anh Định chỉ làm việc như một công nhân lao động phổ thông do chưa có kinh nghiệm thực tế. Đến nay, sau một thời gian dài làm công nhân tại các doanh nghiệp, để có thể có thu nhập đủ chi tiêu thì phải tăng ca liên tục – là cái khó của Định. Do tăng ca nên hoạt động vui chơi giải trí là không có. Thêm vào đó, vấn đề thủ tục giấy tờ có liên quan (như: sổ KT3, thẻ Bảo hiểm y tế, giấy khai sinh) lại là thách thức lớn đối với công nhân lao động và con em công nhân xa nhà ở trọ. Hơn nữa thời gian gửi trẻ ở các trường công lập rất khó cho thời gian làm việc của cha mẹ. Vì vậy, dù không muốn anh Phan Đức Gia Định vẫn đành phải gửi con ở các điểm giữ trẻ tư nhân. "Gửi con vào trường công thì ra vào phải đúng giờ giấc nên không có ai đưa đón vì cha mẹ tăng ca, vì vậy mới đành gửi ở các trường tư. Vì các trường tư thì các cô có thể giữ thêm giờ cho mình. Tuy nhiên, ở các trường tư cũng thường xảy ra các vụ bạo hành, nhiều khi nhìn thấy con có vết bầm tím thì rất xót và ảnh hưởng nhiều đến tâm lý. Thực tế nhiều người lao động như chúng tôi nhiều khi cũng không muốn gửi con vào trường tư", anh Định cho biết.

Cả hai vợ chồng anh Định đã chọn phương án sẽ gửi con về cho ông bà nội ở ngoài quê trông giúp mặc dù ông bà đã hơn 70 tuổi. Nhưng xem ra đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.

Còn câu chuyện và cuộc sống của chị Nguyễn Thị Kim Loan, quê Bình Phước thì ở một khía cạnh khác. Trước đây chị cũng từng đi làm công nhân nhưng do mức lương không đủ sống nên chuyển sang bán cà phê dạo ở khu vực quận 7, TPHCM. Do không có điều kiện thuê mướn địa điểm nên chị phải bày bán ở vỉa hè, lề đường, bấp bênh và không ổn định, cộng thêm mối lo giá nhà trọ mỗi năm tăng đến 2 lần, giá nước lên đến 20.000 đồng/khối. Biết mình bán cà phê lấn chiếm lòng lề đường là sai, nhưng mức thu phí xử phạt quá cao khiến chị lo lắng: "Tụi em bán thì thấy bảng thông báo là mức phạt từ 100-200 ngàn nhưng một ngày thu nhập có trăm rưỡi đến hai trăm ngàn thôi nên khi bị vậy thì rất khó khăn".

Cần được quan tâm hỗ trợ hơn

Góp nhặt những câu chuyện và cuộc sống của những lao động nhập cư, của những người công nhân lao động xa quê, ông Đặng Quang Điều - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, có 4 vấn đề liên quan đến cuộc sống mà người lao động nhập cư quan tâm nhất hiện nay, đó là việc làm, nhà ở, tiền lương, và nơi học hành của con cái. Trong đó thu nhập là mối quan tâm hàng đầu và bức xúc nhất hiện nay. Vì trên thực tế, mức sống tối thiểu hiện nay của người lao động phải là 4,5 triệu đồng nhưng lương tối thiểu chỉ có 3,1 triệu  đồng. Với vai trò là cơ quan đại diện bảo vệ quyền lợi của người lao động thì tổ chức công đoàn phải tham gia để làm sao nâng mức tiền lương tối thiểu của người lao động lên bằng mức sống tối thiểu. "Tổng Liên đoàn đang kiến nghị với Chính phủ cần sớm tăng tiền lương tối thiểu cho bằng mức sống tối thiểu nhằm giảm khó khăn cho người lao động. Bên cạnh đó, ở doanh nghiệp, công đoàn phải thương lượng và ký kết được thỏa ước lao động tập thể, đưa vấn đề tiền lương vào để  thương lượng, phải cao hơn hoặc bằng mức sống tối thiểu ở khu vực mà doanh nghiệp đang làm việc", ông Điều nói.

Theo ông Điều, sắp tới, tổ chức công đoàn sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các ban ngành để phát triển những sân chơi nhỏ, nhà văn hóa nhỏ và lưu động, nhằm tạo điều kiện cho người lao động có thể tiếp cận được những hoạt động vui chơi giải trí.

Cần có sự hòa nhập công bằng với nhau giữa những người dân nhập cư với những người dân tại địa phương, đặc biệt là có sự trợ giúp về mặt pháp lý. Bởi như trường hợp của chị Nguyễn Thị Kim Loan, muốn đăng ký buôn bán ở chợ là điều không dễ dàng. Và có những vấn đề liên quan đến chính quyền địa phương thì khó có thể được giải quyết thấu đáo, do họ không biết phải làm gì, làm như thế nào. Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Giám đốc trung tâm phát triển và hội nhập, nêu ý kiến: "Chúng tôi nghĩ rằng, cần có sự hòa nhập công bằng như nhau là rất cần thiết. Và chính sách bảo trợ, hỗ trợ giải quyết vấn đề an ninh khu vực hay chính sách về sinh kế cho những người mới đến được công bằng giống như những người dân địa phương là quan trọng"./.