Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nông thôn mới phải có môi trường xanh sạch đẹp

(VOH) - Môi trường là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Môi trường xanh sạch đẹp sẽ góp phần đảm bảo sức khỏe cho người dân cũng như vẻ mỹ quan cho bộ mặt nông thôn mới Việt Nam.

Tuy nhiên, qua thực tế xây dựng nông thôn mới cho thấy các bộ ngành chức năng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể thực hiện tốt vấn đề này.

Nông thôn mới phải có môi trường xanh sạch đẹp (ảnh minh họa: MTTQVN)

Bỏ quên hạ tầng và chi phí xử lý môi trường

Trong Bộ Tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí thứ 17 là tiêu chí về môi trường, bao gồm: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. Ông Tăng Minh Lộc - Chánh Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đặt vấn đề: “Chúng ta dường như bỏ quên hạ tầng của môi trường và chi phí về xử lý môi trường. Hiện nay, chúng ta chưa có một cuộc điều tra về cơ cấu chi tiêu của người dân dựa trên thu nhập của họ. Một số chuyên gia đã cảnh báo rằng tỷ lệ ấy của nước ta phải gấp khoảng 20 lần so với các nước phát triển”.

Theo văn phòng điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, hiện cả nước mới có 40% số xã thành lập tổ thu gom rác thải; 18,5% số xã có hệ thống nước thải chung; nâng cấp, xây dựng hơn 1.000 công trình nước sạch tập trung…Rõ ràng, tiêu chí môi trường phụ thuộc nhiều vào nếp sống sinh hoạt và ý thức của người dân. Thông qua đề án thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt triển khai tại các vùng nông thôn, tình trạng ô nhiễm môi trường cùng nhận thức của bà con đã phần nào có chuyển biến tích cực.

Báo động ô nhiễm môi trường ở một số vùng nông thôn

Thông tin trên các phương tiện truyền thông thời gian qua cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều vùng nông thôn đang ở mức báo động. Nhiều nơi, vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang trở thành nỗi bức xúc của người dân. Nguyên nhân là do việc xử lý chất thải, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật…làm cho nguồn nước, không khí bị ô nhiễm trầm trọng. Người dân ở các vùng nông thôn thường xuyên phải đối mặt với nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Ông Nguyễn Tuấn Kiệt - nông dân ở TPHCM, dẫn chứng: “Trước kia người nông dân thường sử dụng tất cả các loại bào bì thuốc trừ sâu, mà hiện nay nhà nước cũng đang có Luật về môi trường; người nông dân trước mắt là phải biết tập trung gom những cái bao bì đó. Vì trong bao bì có những chất độc hại có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người và ô nhiễm đất”.

Yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn là tuyên truyền, vận động người dân sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất hoặc thuốc kháng sinh trong nuôi thủy sản. Song song đó cũng phải tổ chức thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải trong sản xuất nông nghiệp; hạn chế lạm dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong canh tác nông nghiệp và đồng thời hướng dẫn bà con thu gom, xử lý hợp vệ sinh đối với các loại bao bì chứa đựng hóa chất. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, lưu ý: “Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về thuốc bảo vệ thực vật còn rất hạn chế. Đặc biệt là ý thức của người kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng còn nhiều mặt hạn chế. Chính vì vậy, việc kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của chúng ta trong thời gian vừa qua đã gây không ít bức xúc”.

Bảo vệ môi trường phải gắn với bảo vệ sức khỏe con người

Mặc dù chủ trương xây dựng nông thôn mới là mục tiêu lâu dài nên có những chỉ tiêu cần phải phù hợp với quy hoạch dài hạn. Nhưng rõ ràng có những chỉ tiêu gắn kết thiết thực với đời sống sinh hoạt của người dân như nước sạch cần phải tập trung xây dựng sớm. Bảo vệ môi trường gắn với bảo vệ sức khỏe con người là một trong những yêu cầu bức thiết trong xây dựng nông thôn mới hiện nay. Đặc biệt vấn đề môi trường cần phải được quan tâm đúng mức trong khi định hình nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao. Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, nêu ý kiến: “Nên ưu tiên chọn lựa cho những nhóm thuốc sinh học, nhóm thuốc ít độc hại đối với môi trường, ít độc hại đối với thiên địch để chúng ta sử dụng. Từ đó sẽ góp phần vào việc chúng ta hạn chế giết con thiên địch và hạn chế ô nhiễm về môi trường”.

Tăng cường thanh tra, xử lý - xây dựng các điểm xử lý rác...

Trước yêu cầu như vậy, bộ ngành chức năng cần chuyển giao kỹ thuật, áp dụng những mô hình canh tác mới thân thiện với môi sinh, môi trường; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý những vi phạm của tổ chức, cá nhân trong việc gây ô nhiễm hoặc hủy hoại nguồn lợi thủy sản trên sông và trong nội đồng bằng những phương pháp đánh bắt bị cấm như xung điện, chất nổ…Khuyến khích người dân trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng GAP. Ông Nguyễn Thế Đồng - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Môi trường, nhận định: “Trước hết chúng ta phải xem xét lại toàn bộ các hệ thống về chính sách của chúng ta liên quan đến vấn đề về quản lý môi trường. Thứ 2 là tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra để phát hiện nguồn gây ô nhiễm, cơ sở gây ô nhiễm để có giải pháp kịp thời. Thứ 3 là chúng ta phải chú trọng đến vấn đề về truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng”.

Rõ ràng, việc xây dựng các công trình bảo vệ môi trường nông thôn cấp xã cần phải được xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước trong thôn, xóm. Song song đó, kết hợp việc xây dựng các điểm thu gom, xử lý rác thải, nâng cấp nghĩa trang; cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái trong khu dân cư, phát triển cây xanh ở các khu công cộng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Có như vậy thì xây dựng nông thôn mới mới có một môi trường xanh sạch đẹp; Để ở đó, không chỉ bộ mặt nông thôn được khởi sắc mà quan trọng hơn, người dân thụ hưởng điều kiện sống ở mức tốt nhất./.

Bình luận