NQ 25 về công tác Thanh niên sau 3 năm thực hiện - Bài 2: Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp

(VOH) - Trong những năm qua, thành phố đã triển khai nhiều chương trình thiết thực thực hiện nghị quyết 25 của Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong chương trình hành động số 42, Đảng bộ TP cũng đã nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng lao động trẻ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống thanh niên.

 

Trong đó, đặc biệt quan tâm đến thanh niên  đang sống tại các khu vực nông thôn, những nơi  ít có điều kiện tiếp cận với khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là nguồn vốn.  Thời gian qua, nhà nước đã khuyến khích, kêu gọi các tổ chức  xã hội cùng chung vai hỗ trợ thanh niên làm kinh tế. Những nguồn quỹ do các tổ chức xã hội đóng góp như quỹ khuyến học, quỹ hỗ trợ dạy nghề cho thanh niên ra đời đã giúp cho không ít bạn trẻ, nhất là tại nông thôn có thêm điều kiện học tập. Song, có thế nói, quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Hội liên hiệp TN TP với nhiệm vụ hướng nghiệp, hỗ trợ thanh niên làm giàu chính đáng đã và đang trở thành người bạn đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập nghiệp. 

Với thanh niên nông thôn thì có lẽ khó khăn lớn nhất là nguồn vốn, rồi kinh nghiệm sản xuất, kỹ năng nắm bắt thị trường cũng là thách thức đối với họ. Vì vậy, khi được tiếp cận với nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, không khác nào như được đón nhận dòng nước mát mà họ mong đợi từ lâu. Không chỉ hỗ trợ về mặt vốn mà chương trình còn tư vấn về kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh sao cho hiệu quả.

Đi lên từ những khó khăn ban đầu, nhiều bạn trẻ đã và đang dần thực hiện được khát vọng của bản thân. Với nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, bạn Huỳnh Tấn Chánh, là thanh niên thuộc ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh đã dùng để đầu tư trang thiết bị cần thiết cho cơ sở tái chế bao bì  của mình. Chánh chia sẻ: được như ngày hôm nay cũng là nhờ nghĩa tình của các anh chị cán bộ hội LHTN xã đã tận tình giúp đỡ,  bảo lãnh cho  vay số tiền là 40 triệu đồng. Không những vậy, những lúc gặp khó khăn đều nhận được sự động viên từ các anh, chị. Còn riêng Chánh thì đã học được nhiều từ tinh thần lạc quan, luôn nỗ lực vượt khó của đội ngũ cán bộ làm công tác thanh niên, nên bản thân rất vững tâm trong công việc”:

 

 

Còn với Đặng Quốc An - ấp 3, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn thì may mắn được tiếp cận với nguồn vốn từ những ngày đầu. Nhà nghèo nên khi học xong lớp 12, thi đại học không đỗ, An buộc phải tìm cho mình một hướng đi khác. Không cam chịu phận nghèo, An học nghề làm thảm lau chân, rồi mạnh dạn vay vốn thực hiện mong muốn của mình. Ban đầu vừa học, vừa làm, với số tiền vay ít ỏi, 15 triệu đồng An đã tự tạo cho mình không gian làm việc riêng. Tuy nhiên, mọi việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ, sau khi hoàn vốn lần hai và tái vay, An quyết định đổi dự án kinh doanh sang mặt hàng nước giải khát. Theo Quốc An thị trường biến động nhanh lắm, dù là ở nông thôn nhưng cũng cần nhạy bén thì số vốn vay mới sử dụng hiệu quả được. Nói về nguồn vốn vay từ quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Đặng Quốc An bày tỏ:  

 

 

Mang theo niềm tin của Tấn Chánh, Quốc An và nhiều bạn trẻ tham gia vay vốn quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ đội ngũ cán bộ Đoàn, hội tại các huyện ngoại thành. Tuy điều kiện công tác còn khó khăn song tác phong làm việc của những người làm công tác thanh niên tại những nơi này khiến chúng tôi phải khâm phục. Dù là ngày thường hay thứ 7, chủ nhật thì bước chân của họ vẫn đều đặn đi về, thăm hỏi, tìm hiểu, sẻ chia cùng các bạn trẻ để kịp thời hỗ trợ khi cần thiết. Trao đổi về công tác hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, anh Huỳnh Cao Cường - Bí thư huyện Đoàn - Chủ tịch Hội LHTN huyện Bình Chánh cho biết: đối với cán bộ Hội thì việc tiếp cận thanh niên là hàng đầu, trong những năm qua Hội đã có nhiều chương trình thiết thực nhằm hỗ trợ thanh niên vượt khó hiệu quả. Ngoài các đề án của Thành đoàn TP, thì những chính sách chăm lo của địa phương cũng được hội LHTN huyện tuyên truyền sâu rộng để  thanh niên được tiếp cận nhanh nguồn vốn. Anh chia sẻ:

 

 

Từ khi ra đời tới nay, quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã giúp cho không ít bạn trẻ thực hiện được mơ ước của mình. Đến nay, sau gần 5 năm số vốn của quỹ đã tăng lên hơn 3 tỷ đồng. Trong đó,  đã cấp vốn cho 161 dự án, riêng số dự án tại các huyện ngoại thành chiếm gần nửa. Nhiều dự án như mô hình chăn nuôi, làm vườn cây cảnh, làm tranh ép gỗ ở Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè,  rồi mô hình dịch vụ ăn uống, giải khát, làm đẹp tại Hóc Môn đang chờ cấp vốn tái vay lần 2, lần 3…  Với mong muốn tăng cường tính hiệu quả trong sử dụng nguồn quỹ, hàng năm Hội LH TNTP đều có những chương trình tư vấn, huấn luyện kỹ năng kinh doanh cho thanh niên vay vốn. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ- Phó bí thư Thành Đoàn - Chủ tịch Hội LHTN TP cho biết: " Tiêu chí đặt ra khi xét duyệt hồ sơ cũng khá nghiêm ngặt, dự án phải có tính khả thi và nguồn quỹ dành ưu tiên cho những dự án tại khu vực nông thôn, nhất là những ý tưởng hay, góp phần xây dựng phát triển nông thôn mới”. Cho biết thêm về vấn đề này, ông  Bùi Tá Hoàng Vũ nói:

 

 

Có thể khẳng định, quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, một chương trình hiệu quả thực hiện theo nghị quyết TW số 25 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng  đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa  đã khơi đúng mạch nguồn khát vọng làm giàu của  thanh niên. Chính sự thành công của những người trẻ có ý chí vươn lên thoát nghèo là thành công lớn nhất của nguồn quỹ dành cho họ. Điều này có ảnh hưởng tích cực đến mỗi thanh niên trong xã hội, gieo thêm niềm tin, hoài bão đẹp trên con đường lập thân, lập nghiệp của tuổi trẻ.

NQ 25 về công tác Thanh niên- Những kết quả sau 3 năm thực hiện - Bài 1: Công nhân TP.HCM nâng cao trình độ để hội nhập và phát triển