Những chiến công ấy gắn liền với từng km đường hầm địa đạo trong lòng đất, từng xác máy bay của kẻ địch bị bắn rơi, từng hầm chông, vỏ đạn.
Ngày nay, họ trở thành những huyền thoại sống của vùng "đất thép thành đồng”. Từ những câu chuyện được tập hợp lại trong cuốn sách, ít ai có thể biết rằng hơn 40 năm về trước, họ là những bông hoa tươi đẹp nhưng lại là nỗi khiếp sợ của quân thù vì lòng quả cảm, anh dũng, sự chịu đựng và hy sinh. Song vượt lên trên tất cả là tình yêu quê hương đất nước, là lòng bao dung, độ lượng trước kẻ thù của những người phụ nữ Việt Nam.
Điểm chung nhất của các nữ du kích Củ Chi huyền thoại là đều đến với cách mạng khi còn rất trẻ - chỉ ở độ tuổi 12-13 nhưng đã biết tham gia làm giao liên, đào địa đạo, nuôi giấu cán bộ, tuyên truyền vận động quần chúng ủng hộ cách mạng, rồi tham gia du kích xã…Khi cuộc chiến tranh vào giai đoạn khốc liệt nhất, các nữ du kích Củ Chi trực tiếp tham gia nhiều trận đánh rất dũng cảm, oanh liệt, lập nhiều chiến công, góp phần làm nên huyền thoại trong lòng đất.
Nữ du kích Củ Chi trong những năm kháng chiến chống Mỹ (ảnh tư liệu)
Cô Trần Thị Gừng sinh năm 1947, ngay ở trận đầu tham gia du kích đã bắt sống lính Mỹ và là chỉ huy một đội du kích nam trực tiếp đánh hơn 40 trận. Thắng nhiều nhưng hy sinh cũng không ít. Cô Gừng nhớ lại: "Du kích đội tôi hy sinh nhiều lắm ! Một trận ra quân, đi với bộ đội thì hy sinh trước mặt. Tôi nhỏ xíu vậy chứ về mang hai ba cây súng lận ! Thậm chí khi tôi đánh trận Lào Táo, các đồng chí quay phim trực tiếp ở trận chiến đấu, anh này hy sinh anh khác lên ôm cái máy quay, giống hệt như mình chiến đấu thôi. Mình có súng chiến đấu trong khi mấy anh quay phim chỉ có cái máy thôi".
Cô Cao Thị Hường là nữ du kích đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trên đất Củ Chi. Một thành tích mà cả những nam du kích cũng phải nể phục. Cô Hường kể thêm: "Khi đó tôi được phân công chung tổ 3 người đi bắn máy bay. Khi ra bãi bắn, lúc đó là máy bay khu trục nó bổ nhào xuống, ba bốn người này không biết bắn chỗ nào, tập trung 4 khẩu súng bắn một lượt. Bắn một lượt thì chỉ bắn được chiếc thứ nhất, thứ nhì, chiếc thứ ba trống trơn không ai bắn. Đồng chí tổ trưởng mới phân công mỗi người bắn 1 chiếc. Lúc đó tôi nói tôi là phụ nữ, tôi bắn trước. Tôi nổ súng, nổ 4 phát đạn "bá đỏ", nó phình ra 1 cục lửa lớn, cháy, rớt tại khu vực bưng Mỹ Hạnh hiện nay".
Cô Võ Thị Mô, từ 12 tuổi đã tham gia giao liên đưa thư, đưa dẫn cán bộ nội thành ra căn cứ, đào hầm địa đạo. 15 tuổi, đã tham gia đội dân công hỏa tuyến, vận chuyển vũ khí về cho đơn vị bộ đội. Khi 19 tuổi đã đứng trong hàng ngũ của Đảng và được bổ nhiệm làm Trung đội trưởng đội nữ du kích Củ Chi. Số lính Mỹ mà cô tiêu diệt nhiều đếm không xuể nhưng trong cuộc chiến cô cũng từng tha mạng cho kẻ thù, để rồi khi hòa bình lặp lại, lòng vị tha, nhân hậu của cô đã khiến những người lính Mỹ ấy vô cùng cảm kích và viết hẳn thành sách: ”Lòng nhân đạo của nữ du kích Củ Chi”.
Nhớ về quyết định không cho nổ quả đạn pháo để tha mạng cho những tên lính Mỹ , cô Mô nói: "Đổ quân xuống, tôi thấy 3 thằng nó ngồi chụm lại 3 góc, còn chừa lại 1 góc nữa, hồi lâu có thêm 1 thằng nữa tới. Rồi tụi nó lấy khăn trắng trải ra, 1 thằng móc trong túi ra một lá thư, nó đọc rồi nó xé ra bỏ vào đó, rồi một thằng móc ra 1 tấm hình coi xong rồi cũng bỏ vào đó, rồi 4 thằng chụm lại với nhau khóc. Tôi thấy rất xúc động không đánh nữa được".
Thiếu nữ Củ Chi lấy thuốc bom cho du kích làm mìn đánh địch - 1966 (ảnh tư liệu).
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá tình báo - Nguyễn Văn Tàu, (bí danh Tư Cang ), nguyên Phó Chính ủy Phòng Tình báo Miền, Chính ủy Lũ đoàn 316 Đặc công Biệt động Sài Gòn, cũng cho biết, đơn vị ông ngày trước có 10 năm đóng quân ở Củ Chi và trong suốt thời gian đó ông đã rất cảm kích tinh thần chiến đấu anh dũng của những nữ du kích Củ Chi. Vì vậy, khi nói về nữ du kích Củ Chi - những người đã làm nên huyền thoại trong lòng đất trong cách đây 40 năm, ông Tàu khẳng định: "Đúng là những nữ du kích Củ Chi rất đáng khâm phục ! Đánh với Mỹ ác liệt lắm mà chị em tham gia vác đạn, rồi đánh giặc".
Cũng từ tinh thần quả cảm ấy các nữ du kích Củ Chi đã thôi thúc nhà văn Mã Thiện Đồng cất công tìm kiếm và ghi chép lại như một lời tri ân với những người làm nên kỳ tích của vùng đất thép thành đồng.
Nhà Văn Mã Thiện Đồng nói: "Nói đến các chị - chiến công của nữ du kích Củ Chi là tôi đã cảm thấy rất xúc động rồi. Cho nên bằng cả niềm xúc động ấy, nghe các chị kể chuyện, tôi dựng lại những câu chuyện chiến đấu thành 1 cuốn sách dù rất ít thôi nhưng cũng một phần nào cho thấy được người dân đất thép Củ Chi đã chiến đấu như thế nào qua hình ảnh nữ du kích Củ Chi".
Điều đáng trân trọng là các nữ du kích Củ Chi, sau khi nước nhà được thống nhất, họ trở về với cuộc sống đời thường, chung tay xây dựng lại vùng đất đã bị cày xới bởi bao bom đạn, sống gương mẫu, có uy tín trước quần chúng. Họ không chỉ là những huyền thoại sống mà còn là những bông hoa tươi đẹp trong thời bình.