Nước sạch đã về ngoại thành

(VOH) - Theo quy hoạch cấp nước sạch được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2025 tỷ lệ người dân thành phố được sử dụng nước sạch phải đạt 100%. Tại thời điểm quy hoạch, các chỉ số này còn khá thấp, tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch chỉ đạt hơn 79%. Năm 2013, Tổng công suất cấp nước Sài Gòn chỉ cấp gần 1, 7 triệu m3/ngày. Lượng nước trung bình cung cấp là 131 lít/người/ngày. 

Huyện Củ Chi, Hóc Môn là hai địa bàn có tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch thấp. Đến nay, tỷ lệ này đã được cải thiện. Các hộ dân trên toàn Thành phố đều được tiếp cận nước sạch. 

Thời điểm trước, khu vực nông thôn ngoại thành, nước sạch dường như là điều xa xỉ đối với người dân. Đa số các hộ đều sử dụng nguồn nước giếng váng phèn. Trên địa bàn huyện Củ Chi, chỉ có một vài hộ được tiếp cận nước sạch, tỷ lệ chỉ có 4%. Việc thiếu nước sạch khiến đời sống của người dân ở vùng sâu vùng xa của hai huyện Hóc Môn và Củ Chi từng gặp nhiều khó khăn.

Ở Củ Chi, có vùng thậm chí nước giếng sạch cũng không có, người dân phải mua từng can nước giếng ngọt từ nơi khác chở qua bán, dự trữ thêm nguồn nước mưa để dùng từ từ, thường xuyên sử dụng nước giếng váng phèn. Mùa nắng, người dân xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi phải mua từng can nước giếng nước ngọt của thương lái chở từ xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn qua bán với giá từ 20 đến 60.000 đồng một khối, nhưng chỉ là nước hợp vệ sinh chứ chưa phải là nước sạch nhưng không phải ai có tiền cũng mua được. 
Do địa bàn rộng, dân cư đông, trong khi chỉ có 2, 3 xe chở nước bán nên nước ngọt trở nên khan hiếm đến mức muốn mua phải gọi điện thoại đặt trước hai ba ngày mới có, lại phải chờ chực đến 9, 10 giờ đêm. Ông Nguyễn Văn Hải, nhớ lại: “Bây giờ họ tính cho mình 200 ngàn đồng, họ 1 trăm, mình 1 trăm, tui chở không được 20 can, 15 can tui vẫn chịu! Đó, nước “bị gì” nó cũng khó khăn lắm! Ghe đổi mọi lần ở đây thì 20 ngàn đồng một khối. Năm mấy đến nay ghe không đổi nữa, mới đi lôi từng can, sống cũng vất vả với nước”.

Xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi là xã ngoại thành sau cùng được cấp nước sạch trên địa bàn huyện. Từ khi có nước sạch về đến, nguồn nước được cấp mạnh, sạch, bà con rất vui mừng vì sinh hoạt hằng ngày, ăn uống cũng thoải mái hơn. Bà Nguyễn Thị Út, ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, phấn khởi cho biết: “Khó khăn nhất là ở phụ nữ và trẻ em, chính vì vậy, nguồn nước sạch đến là niềm vui mà bà con chúng tôi rất mong chờ, phấn khởi và vui mừng, đã thực hiện niềm mơ ước của mình từ lâu. Thời gian qua, bà con chúng tôi sử dụng nước sạch, phải nói là rất yên tâm. Bởi vì hiện nay nước rất sạch và rất mạnh. Cũng xin mạnh dạn nói rằng, ở độ cao 5, 6 mét là nước lên rất tốt. Và nước đã có mọi lúc mọi nơi, lúc không có điện vẫn có nước”.  

 
Thiếu nước sạch, người dân phải đi mua về dùng. Ảnh: Dantri

Đó là thời điểm năm 2016, khi TP đẩy mạnh chủ trương này, đặt ra chỉ tiêu cho huyện Củ Chi với tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch phải tăng hơn 12%, tương ứng với trên 228.600 hộ dân trên địa bàn huyện. Chỉ tiêu này rất cao, tương đương với 10 năm về trước nhưng huyện đã quyết tâm thực hiện hoàn thành chỉ tiêu này. Ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết: “Với giải pháp để bà con tiếp cận 100% nước sạch như hiện nay tại địa bàn huyện Củ Chi, huyện thực hiện rất nhiều giải pháp. Giải pháp chính là đưa đường ống đến từng nhà, gắn đồng hồ ở từng hộ gia đình. Còn lại một số giải pháp khác như đặt các trạm cấp nước, đảm bảo xử lý đúng tiêu chuẩn để đưa nước đến cho người dân. Ngoài ra còn có các giải pháp như đồng hồ tổng, bồn chứa nước tập trung để cung cấp nguồn nươc sạch đó. Chúng tôi cũng đang phối hợp với UBND huyện Củ Chi, dần dần thay đổi thói quen, tập quán sử dụng nước máy thay cho nước giếng”.

Ngoài Củ Chi, Hóc Môn là một trong số 5 huyện ngoại thành có hệ thống mạng lưới cấp nước và tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch rất hạn chế. Để giải quyết tình trạng thiếu nước sạch trên địa bàn huyện, Thành phố đã bố trí 63 dự án phát triển mạng lưới cấp nước. Số lượng dự án này nhiều gấp 3 lần so với năm 2015, và gấp 7 lần so với năm 2014. Tuy nhiên, tiến độ cấp nước từng ngày trong thời điểm đó lại chậm hơn so với kế hoạch cấp nước đã đề ra.

Tại các xã, thị trấn, mỗi nơi lúc đó chỉ có một cán bộ phụ trách công tác cấp nước sạch, kiêm nhiệm nhiều công tác khác, nên việc triển khai đều cần sự hỗ trợ của Trưởng ban nhân dân ấp, ban điều hành khu phố. Trong khi đó, tâm lý một số hộ dân lại sợ tốn tiền nước, chưa tin tưởng vào chất lượng nước máy, không đồng loạt đăng ký sử dụng nên có tình trạng, trên cùng một tuyến đường, có hộ lắp và chưa lắp đồng hồ nước, địa phương phải thuyết phục nhiều lần. 

Ông Huỳnh Văn Chang, ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn cho biết nguồn nước giếng ở địa phương đã từ lâu không sử dụng được nữa do nhiễm phèn quá nặng, khi giặt áo trắng bị vàng hết nên cũng mong muốn được sử dụng nước máy: “Hồi xưa giờ, tập quán, tập tục của nông dân chúng tôi trên địa bàn Hóc Môn nói chung và Đông Thạnh nói riêng là sử dụng nước giếng khoan với lại sông ngòi, nước mưa chứa để sử dụng thôi, sau một thời gian nước sông bị ô nhiễm, nước giếng bị nhiễm phèn nhiều quá!”.

Kể lại quá trình thực hiện chỉ tiêu cấp nước sạch, ông Huỳnh Văn Hồng Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn tâm sự: “Áp lực vô cùng khi khối lượng công việc cấp nước cần phải hoàn thành trong năm 2016. Chỉ tiêu đặt ra là phải cấp thêm 66% hộ dân và chuyển đổi phần lớn hộ dân đang sử dụng nước từ đồng hồ tổng, bồn nước sang sử dụng mạng lưới ống cấp 3 trong năm 2016”, “Huyện đã phối hợp với Tổng công y cấp nước Sài Gòn triển khai thực hiện, rút ngắn thời gian cấp phép như: Rút ngắn thời gian thi công, kếp hợp cấp giấy phép dự án gắn với giấy phép đồng hồ nước trong một giấy phép, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn hỗ trợ phát và thu hồ sơ đăng lý lắp đồng hồ nước”.

Đến năm 2025, tỷ lệ người dân thành phố được sử dụng nước sạch đạt 100%. Ảnh minh họa: Hoinongdan

Sau khi rà soát lại tình trạng sử dụng nước trên địa bàn, lãnh đạo huyện Hóc Môn đã khảo sát các khu vực gặp khó khăn trong vấn đề cấp nước. Ở khu vực đồng ruộng, huyện đã lắp đặt ngay bồn nước để người dân có nước sạch dùng. Với các hộ dân ở các tuyến hẻm nhỏ chưa kịp phát triển mạng lưới cấp nước, huyện đã đề nghị Công ty Cổ phần cấp nước Trung An triển khai lắp 93 đồng hồ tổng cấp nước sạch cho các hộ dân sử dụng tạm thời. Ngoài ra, các đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện đã cùng nhau hỗ trợ vận chuyển nước đến cho các hộ gia đình có người già yếu, neo đơn. Đồng thời, huyện phổ biến những tác hại về lâu dài khi sử dụng nguồn nước giếng khoan đối với các hộ dân trên địa bàn. Đến tháng cuối năm 2016, 100% hộ dân trên địa bàn đã được sử dụng nước sạch... Các hộ dân trên hai huyện ngoại thành Củ Chi và Hóc Môn bày tỏ sự hồ hởi khi có nước sạch: “Chủ trương của Chính quyền TP cấp nước sạch cho nhân dân, người dân chúng tôi rất phấn khởi. Nước sạch đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho gia đình chúng tôi. Nhân dân chúng tôi rất đồng tình, mong muốn nguồn nước này đi đến từng hộ dân”.

Đến thời điểm này, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch trên toàn thành phố đã đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, số hộ phát sinh ngoài kế hoạch là hơn 25.000 hộ. Hơn 92% hộ dân được cấp nước thông qua giải pháp mạng, gắn đồng hồ đến từng nhà, hơn 7% còn lại được cấp qua các giải pháp đồng hồ tổng, trạm cấp nước, bồn chứa nước, các thiết bị lọc nước. 

Sau 3 năm, số dân được cấp nước sạch tăng thêm gần 500.000 hộ, tương ứng gần 21% tổng số hộ dân toàn Thành phố. Ông Nguyễn Văn Tám – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố, cho hay: “Việc hoàn thành chỉ tiêu 100% hộ dân thành phố được cấp nước sạch đã giúp cho các Sở, ngành, UBND các quận, huyện có được nhiều kinh nghiệm thực tiễn hết sức quý giá trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện, phối hợp kiểm tra, tổ chức vận hành, khai thác hệ thống, hạ tầng kỹ thuật, cấp nước của thành phố, bảo đảm cho việc thực hiện căn cơ, bền vững công tác cấp nước sạch cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong những năm tiếp theo.”

Đánh giá việc cấp nước sạch cho người dân Thành phố là chỉ tiêu rất quan trọng và “nghĩa tình”, chỉ tiêu này đã được đưa vào các kỳ họp qua các thời kỳ, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Thành phố đã đưa chỉ tiêu này về sớm. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm lưu ý một số vấn đề cần quan tâm: “Bây giờ có nước sạch rồi thì người dân phải sử dụng. Khi sử dụng cần phải biết tiết kiệm, không sử dụng tràn lan. Do đó, các ban ngành thành phố cần vận động người dân biết tiết kiệm sử dụng nước. Ngoài ra, thành phố mình vẫn còn những hộ nghèo và cận nghèo không đủ tiền sử dụng nước máy, nên Mặt trận, đoàn thể cần vận động thêm nguồn tiền hỗ trợ những đối tượng này”.

Trong điều kiện hiện nay, khi các khu vực dân cư còn chịu ảnh hưởng nhiều của quá trình đô thị hóa thì các giải pháp cấp nước tình thế như đồng hồ tổng, bồn chứa nước, các thiết bị lọc nước đã góp phần hoàn thành chỉ tiêu 100% hộ dân Thành phố được cấp nước sạch, đem lại nguồn nước thiết yếu cho các hộ dân ở ngoại thành. Tuy nhiên, việc cấp nước sạch vẫn còn nhiều việc phải làm, sắp tới, Thành phố phát triển thêm mạng lưới cấp 2, 3 để đưa nước sạch đến từng hộ dân hiện đang sử dụng phương án cấp nước tạm thời, cải tạo đường ống cũ mục nát để kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước, nâng cao chất lượng, nguồn nước và tăng áp lực nước.

Để làm được điều này, Thành phố dự kiến phát triển thêm 1.100 km đường ống cấp nước với kinh phí khoảng 5.000 tỷ đồng đối với số hộ dân hơn 146.000 hộ, tập trung ở các quận 12, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Theo đó, sẽ xây dựng thêm hai nhà máy nước: nhà máy nước Kênh Đông dự kiến sẽ hoàn thành năm 2018 và nhà máy nước Thủ Đức 4 sẽ hoàn thành năm 2019 để cấp thêm 550.000 m3 nước/ngày đêm cho toàn thành phố, xây dựng thêm các trạm, bể chứa nước trung chuyển an toàn./