Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Phải bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp đúng pháp luật

(VOH) - Đã có nhiều vụ việc nhà báo khi tác nghiệp bị hành hung nhưng mới đây vụ phóng viên Quang Thế báo Tuổi trẻ bị cán bộ đội cảnh sát hình sự huyện Đông Anh đánh vào đầu, mặt gây choáng và chảy máu miệng là một vụ việc hết sức nghiêm trọng. Vụ việc thể hiện sự lạm quyền của người có chức trách trong thực thi pháp luật đã hành xử bạo lực với nhà báo đang tác nghiệp đúng pháp luật.

Vụ việc (từ phản ánh của bạn đọc) tài xế taxi tử vong dưới cầu Nhật Tân chỉ là một tin tức an ninh trật tự bình thường, không thuộc lĩnh vực mật, cấm phóng viên tác nghiệp. Một chiến sĩ công an ra lệnh không được chụp hình là dựa trên quy định gì, ai là người ra lệnh?

Cần làm rõ những điều trên nhưng có một thực tế khi hiện trường không có biển báo cấm quay phim, chụp ảnh và khi phóng viên không vượt qua hàng rào bảo vệ hiện trường thì không có lý gì không cho phóng viên tác nghiệp.

Luật Báo chí cho phép nhà báo có quyền tác nghiệp trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Hành vi thu giữ phương tiện, thiết bị làm việc của phóng viên như máy chụp hình, máy quay phim… chỉ được thực hiện khi phóng viên tác nghiệp trong khu vực có bảng cấm và việc thu giữ phải có biên bản hẳn hoi. Khi không chặn được phóng viên đang tác nghiệp đúng quy định pháp luật thì cảnh sát hình sự lại quay sang hành hung phóng viên, thật chất đây là lạm quyền!

Gần đây, dư luận chứng kiến các vụ việc tương tự, phóng viên bị hành hung, cản trở từ những đối tượng: bảo vệ, giang hồ thuê mướn, thành phần bất hảo, côn đồ thậm chí từ một số cán bộ, quan chức… Đã có những phương tiện làm việc, tài sản của nhà báo bị tịch thu, đập phá để cản trở tác nghiệp của phóng viên. Có nhà báo bị đe dọa tinh thần, bị "giam lỏng", bị vây đánh hội đồng, thậm chí bị đánh dập ngón tay nhằm chặn nhà báo viết bài chống tiêu cực như chuyện xảy ra vào tháng 3/2016 với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (báo Lao Động).

Thế nhưng xét cho cùng, vụ việc này hết sức nghiêm trọng vì nó xảy ra "thanh thiên bạch nhật" và phóng viên, nhà báo bị tấn công từ người được người dân cho là "hiểu biết" pháp luật. 

Không biết diễn tả thế nào cho đầy đủ sự uất nghẹn khi chứng kiến hành động tấn công phóng viên với cú đá, cú đấm "thẳng tay" từ "vị" cảnh sát hình sự mà lý ra những điều đó chỉ dành cho tình huống bất khả kháng khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự xã hội. Nếu không có clip quay lại, không ai dám tin chuyện này có thể xảy ra một cách đơn giản là "do trẻ tuổi" như lời xin lỗi của công an huyện Đông Anh sau đó.

Cần xử lý những vụ việc hành hung theo kiểu này một cách đàng hoàng, nghiêm túc vì nó đang chỉ ra một thực tế "nhức nhối" đó là sự lạm quyền không hề giảm dù đã có những "bài học". Chưa ai quên vụ cảnh sát giao thông gọi người hành hung người vi phạm dẫn đến chết người còn trước đó là vụ công an dùng nhục hình dẫn đến chết người. Cả hai vụ cũng vừa được đưa ra vành móng ngựa.

Rất cần sự công bằng để xã hội vận hành theo đúng nguyên tắc "Sống và làm việc theo pháp luật". Sự thiên vị hoặc xí xoá sẽ khiến pháp luật trở nên "yếu ớt" bởi một bộ phận thừa hành luật pháp lại "coi thường" chính điều mà mình đang bảo vệ và bắt buộc người khác phải tuân thủ. 

Khoản 4, Điều 15  Luật báo chí 1989 đã qui định: Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo hoặc phá hủy thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

 

Phóng viên Quang Thế bị đánh vào đầu, mặt được các báo thông tin sau vụ việc xảy ra.

Bình luận