Trước đó, trong quá trình khảo sát phần cầu còn lại (phía nối với xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao), Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ nhận thấy, mặt cầu nhịp số 5 (N5) đã bị nghiêng ra ngoài phía lòng sông Hồng, có dấu hiệu trụ T6 bị sụt lún.
Các nhịp cầu số 4, 3, 2 có dấu hiệu bị vặn, nghiêng theo chiều dòng chảy của sông Hồng, các khe co giãn (nối giữa các nhịp cầu) bị giãn ra nhiều so với thiết kế ban đầu.
Tại buổi kiểm tra, Đại tá Nguyễn Hữu Phước đã trực tiếp xuống hiện trường quan sát và đề nghị Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ phối hợp đánh giá sự an toàn phần còn lại của cầu Phong Châu để có biện pháp xử lý kịp thời.
Để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của quần chúng nhân dân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ yêu cầu Công an huyện Lâm Thao và các lực lượng khác cần làm tốt công tác phong toả hiện trường, không cho người không có nhiệm vụ tiếp cận khu vực chân cầu.
Tổ chức cắm biển cảnh báo và tuyên truyền đến người dân sinh sống quanh khu vực cầu Phong Châu phía huyện Lâm Thao cần cảnh giác trước những nguy cơ có thể xảy ra.
Sự cố sập cầu Phong Châu xảy ra ngày 9/9, do nước trên sông Thao (sông Hồng) lên rất cao, chảy xiết, cuốn trôi trụ T7 và hai nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7) phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông. Đây là cây cầu kết nối 2 huyện Tam Nông, Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ.
Tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện rơi xuống sông, trong đó có 1 ô tô tải, 2 ô tô đầu kéo, 6 mô tô, 1 xe máy điện, 8 người mất tích...