Tại cuộc hội kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và khẳng định Việt Nam không bao giờ quên sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu mà Bulgaria đã dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước trước đây và xây dựng, phát triển đất nước hiện nay; khẳng định Bulgaria là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông Âu.
Tổng thống Rumen Radev nhất trí với đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính về 6 nhóm biện pháp hợp tác cần tăng cường gồm:
- Tăng cường tin cậy chính trị thông qua tiếp tục đẩy mạnh trao đổi đoàn, qua đó thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực; Bulgaria tiếp tục ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam về Biển Đông trên cơ sở thượng tôn pháp luật quốc tế, UNCLOS 1982, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải tại khu vực;
- Tăng cường hợp tác thương mại – đầu tư, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai nước lên mức 500 triệu USD trong thời gian tới;
- Tăng cường hợp tác giáo dục, lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước;
- Tăng cường hợp tác lao động, một trong những lĩnh vực nhiều tiềm năng bổ trợ;
- Tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên Hợp Quốc, ASEM, khuôn khổ ASEAN – EU;
- Tăng cường giao lưu nhân dân, phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước trong năm 2025.
Tổng thống Rumen Radev đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất của Bulgaria tại Đông Nam Á, gần 30 doanh nghiệp hàng đầu của Bulgaria tháp tùng Tổng thống đang hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông, bán dẫn, điện tử, quang học, chế tạo máy và thiết bị chuyên dụng, sản xuất ô tô, thiết bị y tế, thiết bị điện, đóng tàu, công nghiệp quốc phòng và vũ trụ.
Chia sẻ đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng thống Rumen Radev khẳng định sẽ thúc đẩy các nước EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), ủng hộ Ủy ban Châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ "Thẻ vàng" đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU.
Hai bên nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả khuôn khổ hợp tác gồm các thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như quốc phòng - an ninh, thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y dược, văn hóa và giao lưu nhân dân, đồng thời mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng bổ trợ như chuyển đổi số, xây dựng và kết nối cơ sở dữ liệu số, trí tuệ nhân tạo, điện tử, lao động, nông nghiệp, an ninh lương thực…
Hai bên nhất trí sẽ hỗ trợ, làm cửa ngõ cho hàng hóa của nhau vào thị trường ASEAN và EU.