Nước mắt, đau khổ, cố hết sức để vươn lên mà sống.
Chúng tôi đã gặp họ trong một buổi sáng Sài Gòn nhợt nhạt nắng.
Chấn thương sọ não khi đi xe đạp, bị tông và bỏ lại trên đường
3 năm qua, anh Võ Văn Em (48 tuổi) ngụ phường 1 quận 6 chỉ nằm một chỗ. Năm 2014, vụ tai nạn đến với anh trong tích tắc khi đang chạy xe đạp. Chiếc xe máy tông phải anh đã rồ ga phóng đi.
Đến giờ gia đình anh vẫn chưa biết người gây tai nạn cho anh là ai. Chỉ biết rằng anh bị chấn thương sọ não. Hộp sọ nay vẫn chưa ghép trở lại vì không có tiền.
Ngôi nhà anh đang ở là nhà mẹ vợ, gần 20 con người cùng chung sống. Vợ anh ngày ngày bán vé số nuôi chồng và 2 con nhỏ đang học lớp 8.
Chị Loan (vợ anh Em) kể về tình trạng thương tật của chồng mình (người nằm trên giường).
Đi bộ băng qua đường, bị tông xe và suốt đời mang thương tật
Em Lý Kiều Giang (20 tuổi, ngụ phường 9, quận 6) đang là sinh viên. Một buổi chiều năm trước, khi đang băng qua đường đến trạm xe buýt.
Dù đang đi trên vạch kẻ dành cho người đi bộ, em vẫn bị một chiếc xe Attila tông phải. Trên xe là 3 học sinh nam, người điều khiển xe chưa đủ tuổi để được cấp bằng lái xe, gia cảnh lại nghèo. Nên gia đình em phải tự cáng đáng chi phí điều trị.
Đến giờ, lưng em đã cố định 6 thanh inox đến suốt đời, nhưng vẫn mỏi và đau. Em không thể đứng lâu hay ngồi lâu được, tư thế phải thay đổi để đỡ đau, và đến giờ vẫn đang điều trị.
Em Giang bên giường bệnh ông nội.
Anh Nguyễn Quốc Thắng cũng đi bộ trên đường và bị một nhóm thanh niên đua xe vào lúc khuya tông phải. Anh bị chấn thương sọ não nhẹ và bị vẹo xương vai. Mất sức lao động, anh không còn làm việc năng được. Nhưng anh lạc quan kể: như bây giờ là anh ổn rất nhiều rồi.
Ngôi nhà trong con hẻm trên đường Tỉnh lộ 10 khá nhỏ hẹp, là nơi gói ghém cho hơn 10 nhân khẩu cùng chung sống. Anh cười, mấy cậu thanh niên tông phải anh gia cảnh cũng khó khăn. Họ có chi trả chi phí điều trị. Người ta cũng nghèo, nên mình không làm khó thêm.
Nữ lao công hai lần bị xe tông, thương tật cả hai chân
Chị Nguyễn Thị Thảo (1975) ngụ phường Linh Chiểu quận Thủ Đức là trường hợp như vậy. Chị là nhân viên vệ sinh, thường xuyên phải quét rác trên đường phố vào ban đêm.
Cách đây hơn 1 năm, chị bị một chiếc xe gắn máy tông phải và bị gãy xương ở khuỷu chân, đứt gân chân. 6 tháng dưỡng bệnh ở nhà, chị lại gắng gượng xin đi làm dù vết thương chưa lành. 3 tháng sau, lại một chiếc xe máy xiêu vẹo trong đêm tông vào khuỷu chân lành lặn còn lại. Cả hai vụ tai nạn xảy ra chóng vánh, chiếc xe làm chị bị thương vụt biến mất trong đêm.
Giờ thì chị phải chống nạng đi lại trong nhà. Nơi góc phòng, cậu con trai 19 tuổi bị bại liệt ngờ nghệch nhìn người lạ, chậm chạp múc từng muỗng cơm ăn. Hai mẹ con chị đang trải qua những tháng ngày gian nan nhất.
Ngôi nhà này, là của cha ruột ở cùng với nhiều anh chị em khác, đã dành một phòng cho mẹ con chị sống chung từ khi bị nạn.
Chị Thảo hiện chưa thể làm việc trở lại, trong khi con trai của chị (19 tuổi) bị khuyết tật nặng.
Đi xe máy cũng bị tông và bỏ lại bên đường
Chị Phạm Thị Diệu Hằng (sinh năm 1952), ngụ phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức đã mất mẹ trong một tai nạn giao thông. Chiếc xe taxi tông phải xe máy chị chở mẹ phía sau. Mẹ chị té xuống va chạm vào dải phân cách và qua đời khi vừa đưa đến bệnh viện. Còn chị bị thương cột sống, đến giờ vẫn chưa bình phục.
9 tháng sau tai nạn đó, mỗi lần nhắc đến chị vẫn rươm rướm nước mắt. Gia đình chị có 5 nhân khẩu cùng chung sống và ai cũng khó khăn.
Trong nỗ lực chia sẻ nỗi đau mà các nạn nhân phải gánh chịu, Ban An toàn giao thông TPHCM đã trao tặng mỗi gia đình nạn nhân số tiền 3 triệu đồng và phần quà là 2 nón bảo hiểm. Ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM tặng mỗi gia đình số tiền 2 triệu đồng. Ngoài ra, các quận, huyện cũng có những phần quà trao tặng cho các hộ gia đình có người thân bị tai nạn giao thông và đang sống trong hoàn cảnh khó khăn.
Ngày 19/11 năm nay cũng là ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông.
Những vụ tai nạn chỉ xảy ra trong chớp mắt.
Nhưng những nỗi đau sau đó là dai dẳng.
Những nạn nhân phải từng phút từng giờ chiến đấu với thương tật cơ thể, với ý chí bản thân đế cố gắng trở lại với cuộc sống bình thường.
Clip do phóng viên VOH thực hiện ghi nhận lại những nạn nhân của tai nạn giao thông với nỗi đau dai dẳng.