Phó Thủ tướng: Không chậm trễ trong phân bổ vốn được giao

(VOH) - Ngày 15/4, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 với 9 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.

9 tỉnh gồm: Tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao tổng kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2023 cho 9 địa phương nói trên gần 49.000 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương là hơn 32.000 tỷ đồng, còn lại là vốn cân đối ngân sách địa phương.

Về giải ngân, đến hết quý 1/2023, tiến độ giải ngân của 9 địa phương mới đạt 7,23% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân của cả nước là 10,35% - theo báo cáo của Bộ Tài chính.

Về việc chậm giải ngân, lãnh đạo của các địa phương cho biết nguyên nhân phổ biến ở 9 địa phương là do phải mất nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, xác định nguồn vật liệu san lấp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa sang mục đích khác…

Các địa phương kiến nghị cấp tiếp tục đơn giản hóa thủ tục chuẩn bị đầu tư; tách giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng.

Phó Thủ tướng: Không chậm trễ trong phân bổ vốn được giao 1
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu - Ảnh: VGP

Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành phải quyết liệt hơn, khẩn trương hơn trong tháo gỡ nút thắt về thể chế, trong đó có việc cho ý kiến phối hợp.

Phó thủ tướng yêu cầu địa phương không chậm trễ trong phân bổ vốn được giao, tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong xử lý những khó khăn, vướng mắc vì cùng một mặt bằng pháp lý, vẫn có những địa phương có tiến độ giải ngân cao.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp tìm "lối ra" cho những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.

Ông cũng lưu ý các địa phương hạn chế tối đa đầu tư dàn trải, phân tán, gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư, tốn thời gian thực hiện quy trình thủ tục.

Phó thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ bố trí thời gian để họp riêng về chuyên đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa ngay trong tuần tới. Đây là một trong những vướng mắc chủ yếu của các địa phương có tỷ lệ rừng cao.