Theo Báo cáo của Ủy ban, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, sự phát triển kinh tế xã hội trên các vùng miền đất nước, những tháng đầu năm 2023, tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, cực đoan, đặc biệt là nắng nóng, mưa lũ, sạt lở đất ở khu vực vùng núi phía bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Trong 7 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 1.753 sự cố, thiên tai làm chết 267 người; mất tích 78 người; bị thương 291 người; chìm, cháy, hỏng 302 phương tiện;
628 nhà xưởng và 1.176 ha rừng bị cháy; sập đổ, tốc mái hơn 9.000 nhà; hư hại 45.000 ha lúa và hoa màu…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, thiên tai từ nay đến cuối năm còn khó lường, ứng phó thiên tai phải cảnh giác hơn, các bộ ngành và địa phương phải rà soát lại các nhiệm vụ của mình để cần bổ sung phù hợp với yêu cầu thực tế trong ứng phó thiên tai.
Quan trọng nhất là công tác dự báo, phải kịp thời và chuẩn xác. Đồng thời rà soát lại những kịch bản, điều chỉnh bổ sung cho nó phù hợp với yêu cầu thực tế để triển khai và thực hiện hiệu quả.
“Công tác phối hợp giữa các lực lượng ở đây vẫn là khâu yếu nhất. Cho nên, cần phối hợp cả trong công tác chuẩn bị và tham gia xử lý sự cố để giảm bớt các tác động của thiên tai và ngay trong việc khắc phục” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Từ nay đến cuối năm, có khả năng xuất hiện khoảng 8-10 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, chủ yếu tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ nửa cuối tháng 8 đến tháng 9) và từ Trung Trung Bộ đến các tỉnh phía nam (từ tháng 10 đến tháng 12).
Với dự báo trên, khả năng xảy ra các đợt mưa lớn vẫn tiếp tục xuất hiện ở khu vực Bắc Bộ, cũng như Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng 8 và tháng 9.