Chiều 6/12, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đến dự và phát biểu tại Phiên họp Cấp cao của Hội nghị Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sự kiện do Thanh tra Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phối hợp tổ chức tại Hà Nội.
Phiên họp Cấp cao có chủ đề về định hướng công tác phòng, chống tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong thời gian tới.
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị khu vực lần thứ 10 của Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiều 6-12 - Ảnh: TTO
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình hoan nghênh ADB, OECD và Sáng kiến đã lựa chọn Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị khu vực lần thứ 10 của Sáng kiến Chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc vì sự phát triển bền vững đã đặt ra 17 mục tiêu phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.
Tuy nhiên, theo đánh giá mới nhất của các chuyên gia, châu Á-Thái Bình Dương là một trong những khu vực đang cho thấy những tiến triển còn chậm trong việc hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
“Chúng ta cần thúc đẩy sự phối hợp hành động giữa Nhà nước với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan, đặc biệt là trong phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển cơ sở hạ tầng được đề cập cụ thể trong 17 mục tiêu phát triển bền vững và đây là yếu tố trực tiếp hoặc gián tiếp tác động tới việc đạt được các mục tiêu còn lại”, Phó Thủ tướng Thường trực nhận định.
Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng đó, theo số liệu gần đây của Ủy ban Liên Hợp Quốc về kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP), ước tính, các quốc gia đang phát triển trong khu vực mỗi năm cần thêm khoảng 1,5 nghìn tỷ USD cho đầu tư, tương đương với 5% tổng GDP của các quốc gia này năm 2018. Riêng nhu cầu đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng ước tính khoảng 900 tỷ USD.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Thực trạng đó đòi hỏi chúng ta cần có cách tiếp cận tổng thể trong bảo đảm nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng một cách hiệu quả. Cách tiếp cận này không chỉ hướng tới các giải pháp khuyến khích huy động các nguồn lực tư nhân trong xã hội, trong và ngoài nước mà còn hướng tới việc sử dụng một cách có hiệu quả, đúng đắn, minh bạch và bền vững các nguồn lực công vốn đã rất hạn hẹp.
Đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, phát triển cơ sở hạ tầng và hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững luôn là 2 yếu tố song hành, mang tính sống còn, then chốt và trung tâm trong các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước qua các giai đoạn phát triển.
“Về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, Việt Nam coi đây là một trong 3 đột phá chiến lược (bên cạnh hoàn thiện thể chế và đào tạo nguồn nhân lực), là yếu tố quan trọng thúc đẩy việc đạt được mục tiêu phát triển đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Việt Nam khẳng định trong thời gian tới, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ tiếp tục là một trong những đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 nhằm hoàn hiện hệ thống kết cấu hạ tầng, khắc phục điểm nghẽn, để phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Việt Nam tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ chính, bao gồm: Hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, đấu thầu, bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng kết cấu hạ tầng; Tăng cường huy động nguồn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công-tư đối với các dự án, công trình kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở bảo đảm hiệu quả đầu tư, cân bằng lợi ích của các chủ thể; Ưu tiên đầu tư công vào các lĩnh vực an ninh, quốc phòng hoặc các dự án không kêu gọi, thu hút được nhà đầu tư, trước mắt hoàn thành sớm các dự án quan trọng quốc gia, các dự án có sức lan tỏa, tạo sự đột phá như đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, cảng hàng không quốc tế, các dự án tạo nền tảng tiếp cận và nắm bắt cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hạ tầng kinh tế số; Thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch thông tin và xây dựng cơ chế giám sát quá trình thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là quá trình đầu tư, triển khai các dự án.
Về các mục tiêu phát triển bền vững, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ, Việt Nam coi đây là định hướng cho hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ và các cấp chính quyền trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong quản lý và điều hành, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, Chính phủ Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm hướng tới xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân trong xã hội vào quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là huy động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như: Đẩy mạnh cải cách hành chính để xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực thi triệt để các phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đã được phê duyệt; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy nhà nước; xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền thông minh và nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công; triển khai xây dựng cổng dịch vụ công quốc gia với mục tiêu hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Thường trực thể hiện tin tưởng rằng các chuyên gia Việt Nam khi tham gia vào các phiên họp, phiên thảo luận của Hội nghị cũng đã chia sẻ, chuyển tải thông điệp đến các bạn quốc tế, các đối tác phát triển về quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam, cùng đồng hành với các quốc gia trong khu vực, nhằm thúc đẩy các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, kịp thời phát hiện, phòng ngừa và xử lý các hành vi tham nhũng, hối lộ, qua đó giúp tạo tiền đề vững chắc cho việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đã được thông qua trong Chương trình nghị sự 2030.
Phó Thủ tướng Thường trực giao cho Thanh tra Chính phủ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan tiếp tục hợp tác chặt chẽ với OECD, ADB và các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương để tổng hợp, nghiên cứu những kinh nghiệm thực tiễn tốt, những sáng kiến hay, sáng tạo đã được chia sẻ, thảo luận tại Hội nghị này về nâng cao hiệu quả đầu tư, kịp thời phát hiện, phòng ngừa và xử lý các hành vi tham nhũng, hối lộ trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Thường trực tiếp Phó Tổng Thư ký OECD
Ngày 6/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tiếp ông Jeffrey Schlagenhauf, Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhân dịp ông sang Việt Nam tham dự Hội nghị khu vực lần thứ 10 của Sáng kiến Chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tiếp ông Jeffrey Schlagenhauf, Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) - Ảnh: VGP
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình hoan nghênh OECD phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Sáng kiến chống tham nhũng đã lựa chọn Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị khu vực lần thứ 10 của Sáng kiến Chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương; cảm ơn OECD hỗ trợ Việt Nam rà soát nhiều chính sách phát triển, trong đó có hoàn thành rà soát chính sách đầu tư trong năm 2017, 2018... Trong năm APEC 2017, OECD đã tích cực hưởng ứng và phối hợp với Việt Nam tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trong khuôn khổ Năm APEC 2017, đóng góp tích cực vào thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ giữa Việt Nam và OECD đang đi vào giai đoạn hợp tác thực chất và hiệu quả, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, tháng 3/2008, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Trung tâm Phát triển OECD; Việt Nam cũng là thành viên của Nhóm công tác về Hiệu quả viện trợ. Tháng 6/2016, Việt Nam phối hợp với OECD đồng tổ chức Diễn đàn OECD về khu vực Đông Nam Á năm 2016 tại Hà Nội với chủ đề "Nâng cao năng suất gắn liền với phát triển bao trùm ở Đông Nam Á".
Từ năm 2018, Việt Nam tham gia Văn phòng Hỗ trợ đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD và là đồng Chủ tịch Nhóm tham vấn xây dựng Báo cáo triển vọng kinh tế Đông Nam Á của OECD. Tháng 2/2019, Việt Nam và OECD đã khởi động quá trình xây dựng Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều (MDCR), góp phần phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu trong Kế hoạch hành động quốc gia này. Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành có liên quan phối hợp với các bộ phận của OECD để tiếp tục thảo luận về Chương trình, nhằm hỗ trợ cho Việt Nam trong thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia.
Trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị OECD tiếp tục thảo luận với Thanh tra Chính phủ Việt Nam để xây dựng nội dung hỗ trợ phù hợp, tập trung vào tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và xây dựng năng lực thực thi pháp luật, đặc biệt là phòng chống tham nhũng, hối lộ trong hoạt động kinh doanh và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vì đây là 2 nội dung quan trọng của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 mới có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng cho biết, thời gian tới, kế thừa kết quả đã đạt được, Chính phủ Việt Nam sẽ giao cho Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham gia tích cực, đặc biệt là thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về phòng, chống tham nhũng; tăng cường hợp tác phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực quan trọng giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Sáng kiến; đóng góp chủ động, có hiệu quả và thiết thực vào các nỗ lực, hoạt động hợp tác chung trong khuôn khổ của Sáng kiến.
Phó Tổng Thư ký OECD Jeffrey Schlagenhauf đánh giá cao Việt Nam có cam kết mạnh trong lĩnh vực thực hiện chính sách liêm chính, chống tham nhũng và đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đây là công cụ rất tốt để Việt Nam nâng cao năng lực quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế. Ông cũng đánh giá cao Việt Nam đã sử dụng các phương pháp, hướng dẫn, khuyến nghị của OECD trong thực tiễn và mang lại hiệu quả tích cực trong lĩnh vực này. OECD cam kết hỗ trợ Việt Nam trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch ASEAN, hiện OECD đang phối hợp với các Chính phủ thành viên khác bàn biện pháp thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa OECD với Việt Nam.
Phó Tổng thư ký OECD mong muốn Việt Nam phát huy tốt vai trò tham vấn xây dựng Báo cáo triển vọng kinh tế Đông Nam Á của OECD; sớm công bố Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều, góp phần phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025.