Mục tiêu của những cuộc họp này là thúc đẩy tiến trình thực hiện các kế hoạch cải cách bộ máy nhà nước, đảm bảo hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Phương án sắp xếp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh nguyên tắc sắp xếp tổ chức bộ máy phải tuân thủ nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương.
Phương án sắp xếp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ thực hiện việc chuyển giao chức năng đại diện chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty về các bộ quản lý chuyên ngành. Cụ thể, các bộ sẽ tiếp nhận nhân sự và bộ máy quản lý theo nguyên tắc "người theo việc", đồng thời đảm bảo quyền lợi của các cán bộ, lãnh đạo, công chức trong quá trình chuyển giao.
Phó Thủ tướng yêu cầu quá trình này phải tách bạch rõ ràng giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp, nhằm tạo ra một cơ cấu bộ máy tinh gọn và hiệu quả hơn.
Các bộ quản lý ngành sẽ tiếp tục thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu cho đến khi hoàn tất quá trình chuyển giao. Mục tiêu là nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tạo điều kiện để các tập đoàn và tổng công ty hoạt động linh hoạt và cạnh tranh hơn trong nền kinh tế thị trường.
Liên quan đến phương án sắp xếp Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu chuyển một phần chức năng, nhiệm vụ và nhân sự của Ủy ban này về Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo nguyên tắc "người theo việc".
Ông nhấn mạnh rằng việc chuyển giao nhân sự phải đi đôi với việc chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, và cơ quan tiếp nhận phải có trách nhiệm đảm bảo hoạt động hiệu quả sau khi tiếp nhận.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, sắp xếp lại bộ máy của mình, đặc biệt là các chi nhánh ở địa phương.
Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước, việc tinh giản bộ máy đang được triển khai mạnh mẽ, với một số khối quan trọng như các chi nhánh ngân hàng tại tỉnh thành và cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng được sắp xếp lại.
Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng sẽ chuyển từ mô hình tổng cục xuống thành các cục, nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả, bảo đảm an toàn tài sản nhà nước và thực hiện nhiệm vụ giám sát một cách chính xác.
Ngân hàng Nhà nước cũng nêu một số khó khăn liên quan đến việc sắp xếp cần phải có lộ trình để bảo đảm hoạt động thường xuyên về nghiệp vụ của ngành và bảo đảm an toàn tài sản của nhà nước. Đồng thời, nêu các vấn đề liên quan đến bảo đảm chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau khi sắp xếp bộ máy.
Bộ máy BHXH ở Trung ương chỉ nên giữ đơn vị “xương sống”
Làm việc về sắp xếp, tinh gọn bộ máy BHXH Việt Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu phải giảm tối thiểu 15% đầu mối; giảm bớt khâu trung gian; phân cấp phân quyền mạnh hơn, rõ hơn; ứng dụng công nghệ thông tin, thanh toán không dùng tiền mặt mạnh mẽ.
Nhấn mạnh yêu cầu bộ máy làm việc phải ổn định để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH, lãnh đạo Chính phủ đề BHXH Việt Nam tính toán tên gọi cho phù hợp với một quỹ Nhà nước ngoài ngân sách ở tầm quốc gia.
BHXH Việt Nam đặt tại Bộ Tài chính nhưng hoạt động độc lập theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm tính liên tục, liên hoàn, phục vụ người dân tốt nhất, mọi lúc, mọi nơi. Bộ Tài chính chỉ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu thu gọn đầu mối bộ máy BHXH ở Trung ương, chỉ giữ các đơn vị "xương sống", sáp nhập, hợp nhất các đơn vị có tính chất tương đồng; thu gọn đầu mối bảo hiểm các tỉnh.
Với các huyện miền núi, do đặc thù địa hình, thì cơ quan BHXH nên giữ nguyên. Còn khu vực đồng bằng có thể thu gọn lại và thành lập mô hình BHXH liên huyện.
Thực hiện sắp xếp, tinh gọn với cơ chế phân cấp và phân quyền
Phó Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh việc phân cấp và phân quyền mạnh mẽ trong bộ máy nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhà nước phát triển.
Ông yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm các doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả trong suốt quá trình chuyển giao, sắp xếp và tinh gọn tổ chức bộ máy.
"Đặc biệt, chúng ta phải làm sao để các bộ, ngành phải “người theo việc, người nào việc đấy”, đồng thời có cơ chế hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức trong quá trình chuyển giao, tái cấu trúc bộ máy", Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết.
Để đạt được mục tiêu trên, việc xây dựng cơ chế chính sách, quy định rõ ràng và các bước chuyển giao hợp lý sẽ là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của quá trình này.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý rằng công tác tư tưởng trong toàn hệ thống phải được thực hiện một cách nghiêm túc để đảm bảo sự đồng thuận cao trong thực hiện cải cách.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, tích cực triển khai các phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo đúng tiến độ đã đề ra. Các kiến nghị, ý kiến từ các doanh nghiệp cũng sẽ được tiếp thu và xử lý kịp thời, nhằm đảm bảo tính liên tục trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời không làm gián đoạn các hoạt động quan trọng trong quá trình chuyển giao.
Phó Thủ tướng khẳng định, cải cách bộ máy nhà nước là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự quyết tâm cao của các cơ quan, đơn vị và toàn xã hội. Việc này không chỉ nhằm giảm thiểu bộ máy cồng kềnh mà còn tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.