Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về khoáng sản, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh thời gian tới, vấn đề nguyên vật liệu cát san lấp cho các dự án giao thông, đường cao tốc sẽ được giải quyết tốt.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, liên quan đến vấn đề vật liệu xây dựng, trước đây đã có quy định phân cấp về địa phương, tuy nhiên còn một số vướng mắc về quy trình, thủ tục nên đã làm chậm trễ quá trình thực hiện.
Phó Thủ tướng cho biết: “Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo và Quốc hội lần này xem xét phân loại 4 nhóm khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường thuộc nhóm đơn giản hóa thủ tục".
Phó Thủ tướng nêu rõ: “Từ nay đến khi Luật Địa chất và Khoáng sản có hiệu lực, Quốc hội cũng ban hành các nghị quyết cho phép các cơ chế đặc thù trong đó liên quan đến gia hạn, nâng công suất các mỏ khai thác, đơn giản hóa các thủ tục. Các vấn đề này đang được triển khai khá tốt, đặc biệt là đối với các giải pháp cho các vùng rất khó khăn về vật liệu xây dựng như Đồng bằng sông Cửu Long”.
Riêng với Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có 2 lần đến làm việc.
Các giải pháp khắc phục là đối với nguồn cát nhiễm mặn đã có nghiên cứu, đánh giá, thử nghiệm và ban hành thành hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật… Các dự án có điều kiện tương tự có thể thực hiện và kiểm soát được vấn đề môi trường.
“Chúng ta cũng có các bước thử nghiệm từng khu vực khai thác, từng công trình, đưa ra các tiêu chí về sử dụng cát biển,” Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nói và nhấn mạnh “đây là yêu cầu tiên quyết.”
Chính phủ cũng đã có các mục tiêu giải pháp đối với các cảng, biển nội thủy và các sông ngòi, tuyến kênh, rạch, sẽ giao cho các địa phương đánh giá, điều tra và khai thác, thực hiện thông tuyến, tận dụng nguồn vật liệu cát này.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bổ sung các nguồn cát, trong đó có việc nghiên cứu và sử dụng đá xay, nhập vật liệu cát ở nước ngoài.
Liên quan đất hiếm, Phó Thủ tướng cho biết theo đánh giá của Cục Địa chất Mỹ, Việt Nam có tổng lượng đất hiếm chiếm 18% trên thế giới với 2 loại: Đất hiếm nặng và đất hiếm nhẹ. Mặc dù thị trường đất hiếm hiện nay tăng 4%/năm, song rất phức tạp, do các nước lớn điều hành thị trường này, đặc biệt là Trung Quốc hiện chiếm giữ trên 90% thị phần.
Ông Hà cho biết Chính phủ chỉ đạo có dự án điều tra đánh giá toàn bộ trữ lượng và thành phần các loại đất hiếm, xác định nguyên tắc dựa vào thị trường để khai thác, đáp ứng công nghệ để tuyển chọn được, không xuất khẩu thô.