Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Tháo gỡ điểm nghẽn phát triển văn hóa

(VOH) – Ngày 22/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hoá Việt Nam giai đoạn 2023-2030.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng khẳng định văn hóa là lực lượng xung kích trong phòng, chống tiêu cực, lãng phí, suy thoái đạo đức và tư tưởng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, theo đúng quy trình, thủ tục, báo cáo cấp có thẩm quyền; bảo đảm văn hóa phát triển cân đối, hài hòa với chính trị, kinh tế-xã hội.

Phó Thủ tướng nêu rõ việc xây dựng Chương trình là nhiệm vụ cấp bách, cần bám sát thực tiễn, nhằm cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Tháo gỡ điểm nghẽn phát triển văn hóa 1
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. 

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương rà soát những dự án, kế hoạch, chiến lược đang thực hiện; nội dung mới trong Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021), để đưa vào Chương trình, bảo đảm không không trùng lặp, chồng chéo, dự án cụ thể đến năm 2025.

“Quan trọng nhất là phải thể chế hóa các nghị quyết, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển văn hóa, nghệ thuật, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu định hướng tư tưởng, chính trị trong tình hình mới", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Phó Thủ tướng cho rằng, phát triển văn hóa phải gắn với con người, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa vật thể, phi vật thể, giữ gìn bản sắc văn hóa trong từng cộng đồng, làng xã.

Định hướng phát triển công nghiệp văn hóa cần thay đổi căn bản tư duy, cách tiếp cận với tinh thần “văn hóa hóa kinh tế, kinh tế hóa văn hóa.”

Nhấn mạnh xây dựng văn hóa trong xã hội số là lĩnh vực rất mới, Phó Thủ tướng gợi mở hướng tiếp cận không đơn thuần số hóa các di tích, di sản văn hóa, lịch sử mà cần nghiên cứu cơ bản, thiết lập hệ quy phạm, quy chuẩn đạo đức, ứng xử trên không gian số.