Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: “Ngành tài nguyên và Môi trường phải nâng cao năng lực quản lý”

(VOH) -  “Ngành tài nguyên và Môi trường phải nâng cao năng lực quản lý để phát triển kinh tế bền vững trên nền tảng bảo vệ môi trường”, đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trong buổi hội nghị trực tuyến ngành Tài nguyên và Môi trường vào sáng 9/1.

Nghe bài viết  

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần tổng điều tra, rà soát phân loại các nguồn gây ô nhiễm ra sông, biển, không khí tại các đơn vị lớn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Năm 2016 đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức: kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp hơn so với dự báo, tài nguyên khoáng sản đặc biệt là giá dầu thô thấp đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn so với dự báo. Vấn đề ô nhiễm môi trường còn nhiều phức tạp.

Thiên tai, rét đậm rét hại ở phía Bắc, hạn hán kéo dài ở Nam Trung Bộ, Tây nguyên, xâm nhập mặn chưa từng có ở đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ và sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống người dân. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả nước, kinh tế Việt Nam vẫn đạt kết quả khả quan, lạm phát được kiềm chế, văn hóa xã hội tiến bộ, quốc phòng an ninh đảm bảo, vị thế nước ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Trong kết quả đó, ngành tài nguyên và môi trường đóng góp rất quan trọng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND Hà Nội cho biết cải cách hành chính là điểm nổi bật trong năm 2016, Hà Nội đã đơn giản hóa 61 thủ tục hành chính, giảm thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn 14 ngày làm việc. Bên cạnh đó, đã lắp đặt 10 trạm quan trắc không khí, kiểm soát ô nhiễm môi trường. Năm 2017, Hà Nội tiếp tục xây dựng là năm cải cách hành chính nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ, nâng cao tính minh bạch trong công tác xử lý vấn đề môi trường.

Ông Lê Văn Khoa - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: thành phố đã đưa các cơ sở ô nhiễm môi trường vào khu công nghiệp, các chất thải rắn đã được thu gom và xử lý tốt, năm nay TPHCM đã hoàn thành cung cấp 100% nước sạch cho người dân TP. Tuy nhiên, thành phố vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, rừng, giải quyết biến đổi khí hậu nước biển dâng…

Để giải quyết vấn đề môi trường trên địa bàn thành phố, ông Khoa cho hay: “TP đề ra nhiều giải pháp, trong đó có 3 giải pháp mang tính chất căn cơ, một là tuyên truyền để vận động, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân, thứ hai là tăng cường kiểm tra và giám sát thường xuyên công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, để đảm bảo rằng toàn bộ nước thải phát sinh phải được xử lý trước khi thải ra môi trường; và giải pháp thứ ba là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng cao hơn vào việc quản lý, kiểm tra, giám sát lĩnh vực tài nguyên môi trường”.

Thành phố Cần Thơ là địa phương đã hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Để công tác quản lý tài nguyên môi trường tại địa phương đạt hiệu quả hơn, Lãnh đạo TP Cần Thơ cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc, bản đồ, xem xét hỗ trợ kinh phí đo đạc, lập bản đồ quy hoạch địa chính.

Riêng với Quảng Bình – là một trong 4 tỉnh bị ảnh hưởng rất nặng nề trong sự cố môi trường biển xảy ra trong năm. Đến ngày 11/12/2016, toàn bộ cá nhiễm độc đã được tiêu hủy đúng quy trình. Hiện nay, tiếp tục xử lý hải sản nhiễm độc tồn kho trong hộ dân. Lãnh đạo tỉnh đã triển khai phân tích chất lượng nước với tần suất một ngày 2 lần để kiểm tra, xử lý và thông báo kịp thời cho nhân dân.

Cùng với việc quan trắc môi trường nước, Quảng Bình cũng tiến hành thu gom, xử lý rác trên bờ biển có cá chết; bồi thường thiệt hại cho người dân đợt 1 đạt 80% và sẽ hoàn tất bồi thường cho bà con đợt 1 trước tết.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình cũng đã xây dựng đề án để khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân, quyết định miễn tiền học phí trong thời gian 3 năm, rà soát lại đất trong nông, lâm trường giao cho người dân sản xuất, xây dựng chương trình đào tạo dạy nghề…

Lãnh đạo Tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường phối hợp Bộ Y tế kiểm nghiệm xác định chất lượng biển an toàn để làm cơ sở tuyên truyền cho người dân an tâm kinh doanh, sản xuất vừa để kiểm soát môi trường biển, ổn định đời sống nhân dân vừa phát triển kinh tế.

Đồng Nai là địa phương được chọn để thực hiện thí điểm văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất 1 cấp. Qua hơn 2 năm rưỡi, địa phương đã đạt được nhiều kết quả khả quan như: rút ngắn thời hạn đăng ký xuống còn 10 ngày, bình quân 1 năm cấp hơn 150 ngàn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, ông Võ Văn Chánh: Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Đồng Nai cho biết mô hình văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất 1 cấp còn chịu áp lực nhiều trong hoạt động vì quy định phải do lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường ký giấy và đề xuất nên phân quyền về cho chủ tịch huyện ký và chỉ nên bao cấp kinh phí cấp giấy lần đầu, còn khi thực hiện các giao dịch sau cần có mức phí hợp lý.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Tôi đề nghị là phải nâng cao năng lực ngành tài nguyên môi trường mà trước hết là phải nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường, để cơ quan quản lý nhà nước thực sự là cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiến tạo giúp chính phủ quản lý tốt nhất lĩnh vực tài nguyên môi trường và phục vụ doanh nghiệp, nhân dân khó khăn chỗ nào thì chỉ bảo, thậm chí đến tận nơi để giải quyết”. 

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng yêu cầu cơ quan chức năng ngành Tài nguyên môi trường phải tiếp tục hoàn thiện thể chế để vừa huy động nguồn lực xã hội vừa quản lý tốt; Rà soát lại các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch… để điều chỉnh và bổ sung thậm chí xây dựng kế hoạch phát triển mới gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, tái cấu trúc các ngành, lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất; Tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.