Theo báo cáo của Bộ GTVT, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc bảo đảm tiến độ các dự án cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long là thiếu vật liệu đắp nền.
Mặc dù trữ lượng cát đắp nền đủ đáp ứng nhu cầu cho các dự án nhưng việc triển khai các thủ tục nâng công suất mỏ đang khai thác, giao mỏ mới cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù của các địa phương còn chậm; việc cung cấp cát của các chủ mỏ còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu; các tỉnh chưa xác định được đủ nguồn cung cấp…
Ông Trần Văn Thi, giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, chủ đầu tư dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cho biết toàn tuyến cần hơn 18,6 triệu m3 cát để san lấp nền, trong đó các địa phương bố trí trên dưới 1,47 triệu m3, đạt 8%.Số thực tế mới tiếp nhận còn thấp hơn nữa, chỉ 0,48 triệu m3 từ các địa phương.
Các dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An - Cao Lãnh đã được địa phương cân đối đủ nguồn vật liệu đắp nền đường nhưng chưa có kế hoạch khai thác, cung cấp cụ thể hoặc chờ dự án đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư nên chưa thực hiện các thủ tục khai thác mỏ.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên khẳng định trữ lượng vật liệu đắp nền ở đồng bằng sông Cửu Long không thiếu nếu có sự điều phối hợp lý.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu lãnh đạo các tỉnh báo cáo về thực tế triển khai, nhất là các vướng mắc làm chậm trễ trong cấp phép nâng 50% công suất mỏ đang khai thác; gia hạn mỏ đã hết thời hạn khai thác; không giao được các mỏ mới dù đã cắt giảm, đơn giản hoá trình tự, thủ tục;…
"Những doanh nghiệp khai thác sai phạm phải xử lý nghiêm nhưng phải tháo gỡ để các mỏ tiếp tục hoạt động nhưng phải hết sức chú ý công tác giám sát để bảo vệ môi trường, chống sạt lở", Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng cho rằng cần xây dựng hệ thống quan trắc, đánh giá tác động môi trường tổng thể làm cơ sở cấp phép khai thác mỏ; nhà thầu nhận mỏ có thể hợp tác doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm khai thác và chịu trách nhiệm toàn diện đối với việc sử dụng nguồn vật liệu được khai thác đúng mục đích.
"Trữ lượng các mỏ không thiếu nhưng các địa phương, nhà thầu đang thiếu sự phối hợp, chưa hiểu cặn kẽ, đầy đủ quy định pháp lý, chưa đủ năng lực đánh giá tác động môi trường đối với những mỏ lớn để đưa ra phương án khai thác phù hợp, bảo vệ môi trường, chống sạt lở", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong tháng 9/2023, các địa phương phải hoàn thành thủ tục, đưa những mỏ mới vào hoạt động cũng như gia hạn, nâng công suất các mỏ hiện có hoặc đã hết hạn nhưng trữ lượng vẫn còn.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT, tỉnh An Giang báo cáo ngay về hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng vật liệu san lấp trên địa bàn, trong đó xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, vi phạm doanh nghiệp để xử lý, nhưng không làm cản trở việc đưa nguồn vật liệu san lấp phục vụ các dự án cao tốc.
Đối với đề xuất khai thác vật liệu san lấp thu hồi từ các dự án nạo vét luồng lạch, từ các cù lao, cồn cát giữa sông, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đánh giá tác động môi trường hết sức kỹ lưỡng.