Sáng 26/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến với UBND thành phố Hà Nội về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025; công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí của Hà Nội.
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị TP Hà Nội báo cáo các dự án trọng điểm của quốc gia và thành phố đang chậm tiến độ liên quan đến áp dụng cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thành phố báo cáo các giải pháp để xử lý tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước nhằm giải quyết căn cơ, giúp bảo đảm sức khỏe người dân, chỉnh trang đô thị.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng TP Hà Nội và các địa phương vùng Thủ đô xây dựng, trình Thủ tướng đề án giải quyết ô nhiễm không khí, kế hoạch cụ thể, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và cơ chế, chính sách kèm theo.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Xây dựng phối hợp với TP Hà Nội để xác định, nắm rất rõ nguồn gây ô nhiễm, tỷ lệ, thời điểm ô nhiễm nặng. Từ đó có giải pháp, cơ chế để xử lý dứt điểm như: dii dời, đóng cửa những cơ sở gây ô nhiễm nặng; áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn về khí thải phương tiện giao thông…
Phó Thủ tướng cho biết Hà Nội đã đề xuất dự án xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch nhưng mục tiêu phải là tất cả các dòng sông trên địa bàn thành phố phải được phục hồi. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ cùng đồng hành.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông tại cuộc họp cho biết Hà Nội đang trên đà tăng trưởng kinh tế nhưng lại kéo theo các hệ lụy về sử dụng tài nguyên và ô nhiễm môi trường, đặc biệt, chất lượng không khí đang có chiều hướng suy giảm trên diện rộng. Thành phố ưu tiên các biện pháp cảnh báo cộng đồng và ứng phó với ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Ông Đông cho biết thành phố đã rà soát, xây dựng cơ chế và cơ sở dữ liệu, vận hành hệ thống quan trắc nhằm quản lý, kiểm soát chất lượng không khí; tập trung giảm thiểu ô nhiễm từ các nguồn phát sinh; tăng cường thanh tra, cảnh báo, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hợp tác quốc tế...