Trước khi nhập viện, bệnh nhân có hiện tượng băng huyết ồ ạt. Sau khi được sơ cứu, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện phụ sản Hà Nội. Do tình trạng chảy máu quá nhiều nên êkíp đã quyết định mổ ngay tại phòng khám mà chưa có đủ trang thiết bị phòng hộ, trong khi đang tiến hành ca mổ thì bộ phận xét nghiệm đưa kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân nhiễm HIV. Các ca mổ cho bệnh nhân nhiễm HIV phải chuẩn bị kỹ, nhưng ca này thì yếu tố phòng hộ không đầy đủ do thời gian cứu bệnh nhân quá ngắn. Qua trường hợp này cho thấy, nguy cơ bị phơi nhiễm HIV luôn thường trực đối với các nhân viên y tế. Xung vấn đề này, phóng viên VOH đã có cuộc trao đổi với bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.
BS. Lưu Quốc Khải - Trưởng khoa Đẻ, BV Phụ sản Hà Nội thăm hỏi nữ bệnh nhân sau khi phẫu thuật. Ảnh: VNN
* Thưa bác sỹ, liên quan đến ca mổ cấp cứu khiến 18 y bác sỹ bị phơi nhiễm HIV tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội, vậy nguy cơ lây truyền HIV trong những trường hợp này là như thế nào và các nhân viên y tế liên quan cần phải được theo dõi và điều trị gì không?
- Bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu: Bệnh nhiễm HIV lây truyền qua đường máu. Một trong những đối tượng có nguy cơ bị nhiễm HIV là các y bác sỹ chăm sóc cho những bệnh nhân bị nhiễm HIV mà không có biện pháp bảo vệ một cách đầy đủ. Đối với trường hợp cụ thể, 18 y bác sỹ bị phơi nhiễm HIV tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội vừa qua. Khi các nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm HIV, nếu như không có những biện pháp dự phòng đầy đủ thì có nguy cơ phơi nhiễm và bị nhiễm HIV từ những bệnh nhân này.
* Qua trường hợp này, bác sỹ có nhận định như thế nào về thực trạng dự phòng phơi nhiễm HIV hiện nay đối với đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện nói chung?
- Bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu: Thật ra, nhiễm HIV lây qua đường máu, đối với nhân viên y tế nguy cơ bị nhiễm HIV sẽ xảy ra nếu như trong quá trình thao tác các thủ thuật, phẫu thuật trên những bệnh nhân nhiễm HIV đã gây ra cho bản thân những vết thương, ví dụ như là dao mổ chọc vào tay mình, hoặc là kim chích, hoặc là trong quá trình khâu vết mổ để kim đâm vào tay của các nhân viên y tế, thì khi đó những con dao mổ, kim may khi phẫu thuật này dính máu có virus HIV của bệnh nhân thì các y bác sỹ này có nguy cơ bị nhiễm HIV.
Một trong những đường lây khác mà các nhân viên y tế có thể bị nhiễm HIV khi chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm HIV đó là những dịch tiết hoặc máu của những bệnh nhân bị nhiễm HIV văng vào trong niêm mạc mắt của các y bác sĩ. Hoặc là các y bác sĩ này để các dịch tiết tiếp xúc vào trong vùng da không lành lặn, có vết đứt, virus sẽ dễ dàng xâm nhập và nhiễm vào trong cơ thể.
Như vậy để không bị nhiễm, nhân viên y tế cần mang găng, mang khẩu trang và trong trường hợp làm phẫu thuật, thủ thuật thì nên mang thêm mắt kính để ngừa văng những dịch máu dịch tiết có chứa virus. Đây là những biện pháp rất thông thường, là những quy định chuẩn mà nhân viên y tế chăm sóc người bệnh bất kể người bệnh có nhiễm HIV hay không. Tức là chúng ta phải mang găng, mắt kính để tránh văng vào mắt. Đồng thời trong quá trình làm phẫu thuật thì phải thận trọng, đừng để kim và dao mổ cắt vào trong da của mình.
* Liệu quy trình thực hiện các biện pháp dự phòng này có ảnh hưởng đến thời gian vàng để cấp cứu bệnh nhân không?
- Bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu: Thực ra đây là những quy trình mà nếu đã tập luyện thành thói quen thì nó không ảnh hưởng gì đến thời gian vàng để cấp cứu bệnh nhân. Ngoài ra đối với những trường hợp đã bị phơi nhiễm, ví dụ như đã bị kim đâm vào tay hoặc là máu của bệnh nhân đã văng vào mắt thì nếu như các nhân viên y tế này được theo dõi và uống thuốc dự phòng phơi nhiễm đúng thì khả năng nhiễm bệnh của nhân viên y tế từ những trường hợp này cũng không phải là cao. Và chúng ta đang theo dõi xem những trường hợp này tiếp theo sẽ diễn tiến thế nào.
* Cám ơn bác sỹ!