Phòng bệnh cho trẻ và người già khi giao mùa

(VOH) - Thời tiết sau Tết năm nay diễn tiến thất thường, khí hậu lạnh vào buổi sáng, đan xen có những cơn mưa bất chợt làm cho những người có sức đề kháng kém như trẻ con và người già rất dễ đổ bệnh. Một chút lưu ý quan tâm đến sức khỏe trong thời điểm này sẽ giúp cho chúng ta bảo vệ được sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.

Bệnh trở nặng vì lơ là, chủ quan

Theo thống kê từ bệnh viện Nhi đồng 1 và bệnh viện Đại học Y dược TP, những ngày này trẻ con lẫn người lớn đến khám về các bệnh lí hô hấp cũng tăng hơn, đặc biệt tại các khoa nội tiết thì sau Tết, rất nhiều cô bác đến khám vì lượng đường trong máu tăng, rối loạn đường huyết vì trong dịp Tết ăn uống thoải mái, không kiểm soát. “Bé bị ho kéo dài mà gia đình chủ quan, cứ để vậy nên nặng”, người nhà một bệnh nhi cho biết.

Trong những ngày Tết vừa khoa, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện ghi nhận trên 500 trường hợp đến cấp cứu, trong đó chiếm phần lớn là bệnh lý viêm phổi ở người già. Với người lớn tuổi, sức đề kháng giảm, phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng cũng ít rầm rộ, đôi khi chỉ là ho ít và ớn lạnh như cảm cúm thông thường, do vậy nên dễ làm người bệnh và thân nhân chủ quan cho đến khi phải đi bệnh viện cấp cứu thì hầu hết đều phải hỗ trợ thở máy do viêm phổi nặng.

Còn với trẻ nhỏ, nhiều gia đình cũng chủ quan nghĩ rằng trẻ chỉ ho khan, ho trở trời hay do viêm họng do uống nhiều nước ngọt có gas vào dịp Tết mà quên rằng đó là một trong những dấu hiệu của bệnh viêm phổi. 

Việc để trẻ ho kéo dài là điều rất nguy hiểm vì khi đến bệnh viện thì hầu như bệnh tình đã diễn tiến rất nặng. “Nếu điều trị không dứt điểm viêm đường hô hấp trên thì sẽ dẫn đến viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, thậm chí nặng hơn. Viêm phổi làm cho em bé thở nhanh, khó thở, nguy cơ tử vong cao. Hoặc nếu điều trị không tốt thì vi trùng sẽ xâm nhập dẫn đến biến chứng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm não”, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi đồng 1, khuyến cáo.

PGS TS BS. Lê Tiến Dũng – bệnh viện Đại học Y dược TP khám cho bệnh nhân phổi

Kiểm tra đường huyết, huyết áp

Riêng với những trường hợp người lớn tuổi sau Tết đường huyết tăng cao hay có biểu hiện rối loạn đường huyết thì bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp  - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM lưu ý: “Muốn kiểm soát đái tháo đường, đầu tiên chúng ta phải có lối sống tốt, thứ hai là phải kiểm tra đường huyết 6 tháng một lần với người trên 50 tuổi và một năm một lần với người trên 40 tuổi để phát hiện kịp thời nếu đường huyết rối loạn thì điều chỉnh ngay”.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Phan Hữu Phước – phòng khám lão khoa Med – Vie vào kiểu thời tiết trái gió trở trời thất thường như hiện nay thì việc kiểm soát các bệnh lí khác ở người cao tuổi cũng cần được người nhà để tâm đến nhất là với những cô bác bị cao huyết áp hay bệnh lí tim mạch như thiếu máu cục bộ cơ tim.

“Do tuần hoàn máu não kém đi người cao tuổi dễ bị choáng, nhức đầu hay các vấn đề về sức khỏe tim mạch như cao huyết áp cao, thiếu máu cục bộ cơ tim .Vấn đề hô hấp ở người cao tuổi cũng sẽ phát sinh khi trở trời đặc biệt với người hút thuốc lá nhiều. Một bệnh lí người cao tuổi hay than phiền khi trái giò trở trời là nhức khớp, đau khớp và thoái hóa khớp”, bác sĩ Phước cho biết thêm.

Phòng bệnh viêm phổi

PGS TS BS. Lê Tiến Dũng – bệnh viện Đại học Y dược TP khuyến cáo khi thời tiết thay đổi đột ngột, quá nóng hay quá lạnh, hay khi thời tiết chuyển mùa thường có dịch bệnh nhiễm siêu vi cúm và sau đó là viêm phổi, bệnh này thường tấn công người già và trẻ nhỏ . Với người già khi đã mắc bệnh viêm phổi thường có triệu chứng bệnh âm thầm, phức tạp nhưng thường diễn tiến nhanh và có nhiều biến chứng nặng, việc điều trị cũng khó khăn và lâu dài vì người già thường có các bệnh mạn tính đi kèm. Do vậy, việc phòng bệnh viêm phổi khi thời tiết thay đổi đột ngột rất quan trọng nhằm ngăn ngừa tối đa mức tăng nặng của bệnh và biến chứng nguy hiểm gây tử vong.

Bác sĩ Dũng nhấn mạnh các biện pháp  phòng bệnh viêm phổi khi giao mùa là rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, xì mũi, hắt hơi, sử dụng nguồn nước sạch hàng ngày, luôn bảo đảm một ngày bổ sung đầy đủ từ 1,5 - 2 lít nước, người già nên tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá vì đó là nguyên nhân gây phá hủy phổi, giảm chức năng hô hấp của cơ thể, đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh lý viêm nhiễm khác.

Bên cạnh đó cần giữ gìn môi trường xung quanh vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát nhằm khử sạch vi khuẩn, virus là mầm mống gây nên bệnh lý hô hấp nhiễm khuẩn, tránh tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, độc hại, nên nhớ cả trẻ con lẫn người cao tuổi nên giữ gìn cơ thể đủ ấm khi trời lạnh, bổ sung dinh dưỡng phù hợp và thực hiện tiêm ngừa đầy đủ vắc-xin cúm hoặc phế cầu ở trẻ nhỏ và người trên 65 tuổi nhằm dự phòng bệnh viêm phổi, các chứng viêm nhiễm đường hô hấp ở người già.