Phòng bệnh sốt xuất huyết từ thói quen sinh hoạt

(VOH) - Trước diễn biến nhanh và phức tạp của dịch sốt xuất huyết trong mùa cao điểm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp để phòng, chống, đặc biệt là tại nhà, đồng thời không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh.

Sốt xuất huyết thường bùng phát vào những tháng cuối năm. Ảnh minh họa: SK&ĐS

Những con số đáng báo động

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận có gần 50.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 48 tỉnh, thành phố; trong đó có 17 trường hợp tử vong. Cùng kỳ năm ngoái, cả nước chỉ có 17.000 ca mắc sốt xuất huyết, như vậy, số ca sốt xuất huyết năm nay cao đến gần 3 lần so với năm rồi.

Đáng lưu ý, tại 4 tỉnh Tây Nguyên gồm: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, tình hình dịch đang diễn biến hết sức nghiêm trọng, số người mắc không ngừng tăng, số người mắc không ngừng tăng, hiện đã chiếm gần 75% số ca mắc cả nước.

Từ đầu năm đến cuối tháng 7/ 2016, TPHCM có hơn 9.000 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 50% so với cùng kỳ, trong đó có 2 trường hợp tử vong. 4 tuần gần đây, số ca sốt xuất huyết tuy có giảm 13 % so với cùng kỳ nhưng xu thế mùa mưa hiện nay cộng đồng vẫn không được chủ quan với dịch bệnh này vì sốt xuất huyết thường tăng lên trong mùa mưa.

Việt Nam chưa có vắcxin sốt xuất huyết

Không giống với sốt rét, sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị. Đây là chứng bệnh có thể gây buồn nôn, đau nhức xương, đau đầu, phát ban, xuất huyết và thậm chí tử vong.

Virút gây bệnh sốt xuất huyết có thể tồn tại tới 10 ngày và trung bình mỗi năm có khoảng 390 triệu người bị sốt xuất huyết tại 120 quốc gia, đặc biệt ở Đông Nam Á, châu Mỹ Latin và châu Phi.

4 tháng trước, vào ngày 15/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức phê chuẩn vắcxin Dengvaxia - vắcxin sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới. Đây được xem là thành tựu sau hai thập kỷ nghiên cứu của công ty dược Sanofi Pasteur (có trụ sở tại Pháp).

Vắcxin Dengvaxia. Ảnh: Getty Images

Theo Sanofi Pasteur, Dengvaxia có hiệu quả tới 70% ở những người đã phơi nhiễm trước đó với virút gây sốt xuất huyết và hiệu quả ngăn chặn bệnh diễn biến trầm trọng đạt từ 90-95%.

Trên thực tế, tới nay 4 quốc gia gồm Mexico, Brazil, El Salvador và Philippines đã được cấp phép sản xuất Dengvaxia.

Theo bác sĩ Raman Velayudhan, chuyên gia về kiểm soát dịch bệnh nhiệt đới của WHO thì, ở Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết gây ra bởi 4 loại virut, là 1, 2, 3, 4. Bốn virut này không có đề kháng chéo, tức là nếu bạn đã bị sốt xuất huyết bởi virut 1 thì không có nghĩa bạn sẽ miễn dịch với các virut còn lại. Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức là có nhiều trường hợp bị nặng vì cả 4 loại virut đã xuất hiện tại đây. Và nó sẽ ảnh hưởng tới nhiều người hơn, có những người sẽ bị sốt xuất huyết đến 2 lần. Điều này sẽ dẫn đến các trường hợp nặng và khó khăn trong việc điều trị.

Chính điều này, cũng đặt ra câu hỏi liệu vắcxin Dengvaxia nếu được đưa vào sử dụng tại Việt Nam liệu có hiệu quả như mong đợi không khi việc Philippines năm trước cho lưu hành vắcxin này thì hiệu lực bảo vệ của nó với dòng virut cao nhất là 60%, còn các dòng còn lại thấp hơn, có loại chỉ đạt trên 40%.

Nhưng điều đáng nói nhất là WHO kêu gọi các nước nên cân nhắc bài toán chi phí – hiệu quả khi sử dụng vắcxin này. Vì nếu chích vắcxin Dengvaxia, mỗi cá nhân phải dùng 3 liều, mũi sau cách mũi trước 6 tháng và chi phí cho mỗi liều là 50 USD, một số tiền khá nhiều.

Do đó, trong tình hình điều kiện của nước ta hiện nay, việc chưa thể mua vắcxin sốt xuất huyết Dengvaxia vì chi phí 150 USD cho một cá nhân được xem là quá cao. Vì thế, việc cần làm để phòng tránh và ngăn ngừa sốt xuất huyết trong đợt cao điểm hiện nay chính là việc tự phòng, bằng cách diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt trong các thói quen sinh hoạt hàng ngày tại mỗi gia đình.

Phòng ngừa bệnh dễ dàng từ thói quen sinh hoạt

Vấn đề được xem là cốt lõi làm cho dịch bệnh bùng phát nhanh chóng hiện nay có lẽ là việc người dân vẫn chưa có thói quen diệt muỗi, diệt lăng quăng một cách triệt để trong các thói quen sinh hoạt hàng ngày ngay tại nhà, chính những thói quen này, cộng với tình hình thời tiết hiện nay và tâm lý chủ quan cũng là cơ hội khiến muỗi sinh sản nhanh chóng và gây bệnh.

Bệnh sốt xuất huyết hoàn toàn có thể tự phòng, chống tại nhà, mỗi ngày chỉ cần 10 phút là có thể ngăn ngừa bệnh. Tự phòng chống cũng chính là biện pháp chủ yếu, bởi suy cho cùng, nguyên nhân phát bệnh cũng là do lối sinh hoạt mà ra.

Phun thuốc diệt muỗi tại P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: TTO

Hiện nay, biện pháp chủ yếu và hiệu quả để ngăn ngừa bệnh là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

Diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy:

- Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước.

- Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng/bọ gậy.

- Thay rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ thường xuyên để đảm bảo đồ chứa nước luôn sạch sẽ, không tạo môi trường sinh sôi cho loăng quăng/bọ gậy.

- Thu gom và hủy các vật phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ,... dọn dẹp vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

- Thả muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước các bình cắm hoa thường xuyên.

Phòng chống muỗi đốt:

- Mặc quần áo dài, kể cả ở nhà.

- Ngủ trong màn bất kể là ngày hay đêm.

- Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem bôi đuổi muỗi, vợt điện diệt muỗi... để tránh bị đốt.

- Nếu nhà có trường hợp mắc bệnh thì nên cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

- Phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, ngoài những thói quen phòng, chống bệnh từ bên ngoài kể trên, một chế độ ăn uống lành mạnh, uống đủ nước cho cơ thể và ăn các loại quả chứa nhiều Vitamin C, cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp cơ thể tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh.