Phòng chống HIV/AIDS: Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn

(VOH) - Năm 2016 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam tiếp tục chọn chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là “Hướng tới mục tiêu 90-90-90”, xuất phát từ tình hình thực tế dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã khống chế ở mức dưới 0,30% trong cộng đồng dân cư 8 năm nay. Bằng chứng số người nhiễm mới HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do AIDS đã giảm, tuy nhiên, số người mới phát hiện nhiễm HIV hàng năm vẫn còn nhiều.

Nghe nội dung bài viết

Cùng chung tay phòng chống AIDS. Ảnh minh họa: internet

Tính từ đầu năm đến tháng 10 năm 2016, trên phạm vi cả nước đã phát hiện hơn 8.000 người nhiễm mới HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS là trên 5.250 người, số người tử vong do AIDS gần 1.600 người. Ước tính hết năm 2016, cả nước có khoảng 10.000 người nhiễm mới HIV được phát hiện, 6.500 người chuyển sang AIDS và có khoảng 2.000 người tử vong. Việt Nam hiện mới phát hiện được khoảng 60% số người nhiễm HIV, còn khá xa để đạt được mục tiêu 90– 90 -90.

Tăng cường truyền thông

Đề cập đến việc hoàn thành mục tiêu này, PGS.TS Chung Á – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS cho rằng phải tiếp tục truyền thông thay đổi hành vi trong các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như nhóm nghiện chích ma túy, người có quan hệ tình dục không an toàn, QHTD đồng giới; phải tăng cường nguồn lực về mặt tài chính, đây là vấn đề rất nan giải đối với Việt Nam. Ngoài ra phải tiến hành các biện pháp giảm hại nhất là đối với người nghiện chích ma túy, giảm thuốc phiện, mở rộng chương trình Methadone của Chính phủ. Tiếp tục chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV, lôi cuốn họ vào các hoạt động phòng chống AIDS.

Mặc dù trong thời gian qua Việt Nam đã khống chế không để dịch HIV/AIDS gia tăng nhưng mới chỉ là giảm về xu hướng, trong khi lũy tích số người nhiễm HIV còn sống vẫn tiếp tục tăng cao cho nên có thể nói dịch HIV/AIDS vẫn là một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất đối với nhân loại và công tác phòng, chống HIV/AIDS luôn cần sự ưu tiên hàng đầu.

Theo ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng - Cục Phòng Chống AIDS – Bộ Y tế: không chỉ tiến hành theo chiều rộng mà phải hướng tới chiều sâu.

"Thứ nhất, chúng ta phải tập trung vào công tác truyền thông phòng chống AIDS, tập trung giải thích cho mọi người về khả năng lây truyền có tiếp xúc mà không lây nhiễm HIV như là bắt tay, nói chuyện, ăn chung, sinh hoạt chung... Chỉ có giải thích cặn kẽ trên cơ sở khoa học thực tiễn mới làm cho người ta không còn lo sợ khi tiếp xúc với người nhiễm. Thứ hai, chúng ta phải rà soát lại những thông điệp về truyền thông mang tính hù dọa gây ra sự phản cảm cũng như lo lắng và xa lánh của cộng đồng đối với người nhiễm", ông Đình Cảnh cho biết thêm.

Tại TPHCM, hiện có khoảng 45.000 người nhiễm HIV, trong đó có hơn 25.000 người đang điều trị ARV tại 31 cơ sở. Ước tính đến năm 2017, số người nhiễm HIV là trên 51.000 người. Nếu thực hiện mục tiêu đưa 90% người nhiễm HIV vào điều trị ARV thì sẽ có khoảng trên 46.000 người nhiễm HIV được điều trị ARV. Như vậy, với hơn 30 cơ sở điều trị ARV như hiện nay sẽ không thể nào đáp ứng được. Trong khi đó ba nhóm đối tượng có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất là nhóm nghiện chích ma túy; nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và nhóm phụ nữ hành nghề mại dâm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới được cảnh báo có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.

Nhìn nhận từ thực tế này, PGS.TS Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho hay, hiện vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu chúng ta không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.

"Nếu tập trung vào đối tượng cụ thể ví dụ người nhiễm HIV tập trung vào nguồn lực điều trị và dự phòng cho người nhiễm HIV đồng thời lồng ghép vào các hoạt động khác vào hệ thống y tế và kêu gọi sự hỗ trợ của các cộng đồng, của người nhiễm và cộng đồng dân cư khác thì trong khoảng một thời gian ngắn chúng ta có thể giảm được tỷ lệ nhiễm mới và chúng ta có thể loại trừ đại dịch AIDS sớm hơn so với dự kiến", PGS.TS Đức Dương nói.

Mở rộng các dịch vụ

Hiện nay, mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế. Bơm kim tiêm, bao cao su mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và tiếp tục giảm do nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm. Điều trị Methadone mới chỉ đạt được 57% chỉ tiêu Chính phủ giao. Điều trị ARV mới đáp ứng được 49% số người nhiễm HIV được phát hiện. Trong khi đó số người có HIV mua thẻ bảo hiểm y tế chưa đến 30%. Chị Ngô Thị Linh – một người nhiễm HIV cho biết, có rất nhiều rào cản khiến những người có HIV khó tiếp cận bảo hiểm y tế như không có đủ tiền, không có đăng ký thường trú, thiếu giấy tờ hành chính...và điều này dễ dẫn đến bỏ điều trị.

"Hiện nay muốn mua BHYT phải mua theo hộ gia đình mà nhà tôi có 7 người để tiếp cận được BHYT rất khó. Bản thân tôi mong muốn BHYT bỏ bớt những thủ tục, ưu tiên cho những người dễ bị tổn thương như chúng tôi để làm sao có được thẻ BHYT để có thể tiếp cận với ARV", chị Linh cho biết.

Anh Trần Văn Khương – nghiện ma túy hơn 10 năm nay và đã bị nhiễm HIV thừa nhận, HIV không loại trừ ai, không một giới nào. Chính sự kỳ thị và phân biệt đối xử là một trong những rào cản quan trọng khiến những người nhiễm HIV không dám tiếp cận đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, cũng như các dịch vụ dự phòng, can thiệp giảm hại, xét nghiệm và điều trị HIV.

"Do sự kỳ thị của cộng đồng xung quanh, nếu mọi người thân thiện với người nhiễm HIV một chút thì người ta sẽ không còn mặc cảm và bị những ức chế tâm lý, chính sự xa lánh, kỳ thị làm ức chế tâm lý của người bệnh", anh Khương tâm sự.

Tận dụng nguồn lực của toàn xã hội

Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân – Trung tâm Phòng, chống AIDS TP cho biết, để hướng tới thực hiện mục tiêu 90-90-90, chúng ta cần triển khai hiệu quả hơn nữa các chương trình phòng chống HIV/AIDS kết hợp phòng chống các tệ nạn xã hội, quyết tâm mở rộng điều trị ARV, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone... trong đó có các dịch vụ dự phòng, can thiệp giảm hại, xét nghiệm và điều trị sớm: "Để đạt được mục tiêu 90, TPHCM đã có kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, trong đó chúng ta sẽ tập trung đề tận dụng nguồn lực của toàn xã hội vì hiện tại các nguồn lực tài trợ cho phòng, chống AIDS đã giảm rất nhiều. Cho nên phải tận dụng nguồn lực của toàn xã hội và sử dụng các hệ thống sẵn có để có thể mở rộng chương trình điều trị".

Song song với những giải pháp trên thì ngành y tế cần nỗ lực để phấn đấu đạt 100% người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian tới. Đồng thời chính những người nhiễm HIV/AIDS cũng phải tự vượt qua mặc cảm của mình, sẵn sàng công khai tình trạng nhiễm HIV cho người thân và cộng đồng; tích cực tham gia các hoạt động có ích để tạo được niềm tin cho bản thân cũng như sự chia sẻ, thông cảm của những người xung quanh.

Bình luận