Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cần quyết liệt và hiệu quả hơn.
![]() |
Triều cường gây khó khăn cho sinh hoạt, đi lại của người dân. Ảnh: website phongchonglutbaotphcm |
Báo cáo tại hội nghị, ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó ban thường trực Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Trung ương, năm 2012, tình hình bão lũ trên địa bàn cả nước diễn biến phức tạp hơn, bão lũ xuất hiện sớm, kết thúc muộn và nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới,… xảy ra ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển nước nước ta, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân.
Trong năm, trên biển Đông đã xảy ra 10 cơn bão và 2 đợt áp thấp nhiệt đới, điển hình như cơn bão số 1 và 8 di chuyển nhanh, gây nhiều thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân; sự di chuyển và hoạt động của các cơn bão trên biển phức tạp, kéo dài, gây khó khăn trong việc dự báo, ứng phó và phòng tránh do thiên tai gây ra.
Song song đó thì tình hình khô hạn, xâm nhập, lũ trên hệ thống các sông và triều cường ở các đô thị lớn như TPHCM diễn biến ngày càng phức tạp hơn với mực nước đạt kỷ lục so nhiều năm qua.
Trước tình hình này, năm 2013, công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện, diễn tạp để mọi người dân chủ động phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó, công tác đầu tư trang thiết bị, gia cố đê bao, kè, cống,… để đối phó với biến đổi khí hậu cũng được đề cập và các địa phương kiến nghị trung ương hỗ trợ.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Cao Đức Phát – Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Trung ương khẳng định thời tiết ngày càng biến đổi bất thường, các hiện tượng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, tốc độ diễn biến nhanh hơn. Vì vậy, các bộ ngành và địa phương cần phải tập hợp và triển khai các giải pháp đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Các bộ, ngành và địa phương cần cố gắng nhiều hơn để thực hiện nhiệm vụ được giao, không chỉ là đối phó với tình huống trực tiếp mà mà cần thiết phải nâng cao nhận thức cộng đồng; Cần ban hành những chính sách, rà soát phương án phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố công trình, tăng cường phương tiện tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là khi có xảy ra thiên tai thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc khắc phục.
Có thể nói, trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra phức tạp hơn, nhanh chóng hơn, công tác chỉ đạo phòng, chống và ứng phó với thiên tai cần phải quyết liệt hơn từ các cấp, các ngành. Mỗi người từ cán bộ đến nhân dân cần tránh tình trạng chủ quan, thiếu chuẩn bị hoặc chuẩn bị còn nhiều sơ sài; phương án phòng tránh nên chuẩn bị kỹ và phương châm 4 tại chỗ phải được phối hợp nhịp nhàng khi có tình huống xấu và phức tạp do thiên tai gây ra./.