Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Phòng ngừa MERS-CoV: "Người dân nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính"

(VOH) - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hội chứng suy hô hấp cấp vùng Trung Đông tăng liên tục trong vài tháng gần đây. Đến nay có hơn 820 người nhiễm tại hơn 20 quốc gia như Pháp, Italy, Jordan, Kuwait, Oman, Saudi Arabia, Tunisi, Anh, Đức, Hy Lạp, Mỹ, Liban, Hà Lan… và đã lan sang các nước Đông Nam Á như Malaysia và Philippines. Đến nay đã có gần 290 người tử vong và bệnh đang có xu hướng lan rộng.

Điều đáng lo ngại là tất cả những trường hợp nhiễm hô hấp cấp vùng Trung Đông tại 6 quốc gia thuộc khu vực bán đảo Saudi Arabia là do lây truyền từ người sang người. 75% ca nhiễm gần đây là lây nhiễm thứ phát, tức lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc. Đặc biệt hơn nữa, tất cả các ca nhiễm MERS-CoV khắp thế giới đều có liên quan đến các nước vùng Trung Đông, như khách du lịch, đến làm việc... tại Trung Đông và bị nhiễm bệnh.

Cũng giống như SARS, bệnh nhân mắc suy hô hấp cấp vùng Trung Đông có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp, thời gian ủ bệnh kéo dài đến 14 ngày và tỉ lệ tử vong rất cao. Hiện tại, việc điều trị bệnh chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng khó thở, sốt, vì chưa có vaccine và các loại thuốc đặc trị. Xung quanh vấn đề cảnh báo cũng như phòng ngừa bệnh, phóng viên Phương Dung đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục Trưởng - Cục Y tế dự phòng.


* Ông có thể cho biết hội chứng viêm đường hô hấp cấp Trung Đông là gì? Virus gây hội chứng MERS có giống với virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính SARS không?

- Ông Đặng Quang Tấn: Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông là một bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus, tác nhân gây bệnh là do virus Corona gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp ở Trung Đông và tên tiếng Anh viết tắt là MERS-CoV. Virus MERS không giống với virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính là bệnh SARS năm 2003. Các nhà khoa học đã giải trình gen của virus MERS này cho thấy nó khác với virus gây bệnh SARS ở người.

* Như vậy, khi nhiễm MERS-CoV bệnh nhân thường có những triệu chứng gì? Đường lây truyền của MERS-CoV như thế nào?

- Ông Đặng Quang Tấn: Phần lớn những người nhiễm MERS-CoV thường có biểu hiện nhiễm trùng của đường hô hấp cấp tính, sốt cao trên 38 độ C, ho hoặc khó thở hoặc có tổn thương ở nhu mô phổi hoặc là bệnh nhân có hội chứng của viêm đường hô hấp cấp. Dựa trên lâm sàng hoặc dựa trên hình ảnh chụp X-Quang, ta thấy tổn thương phổi khác nhau và nặng thì bệnh nhân có thể suy thận và tử vong.

Tuy nhiên, theo ghi nhận những trường hợp nhiễm MERS-CoV ở Trung Đông thì có nhiều trường hợp nhiễm bệnh nhưng không có biểu hiện triệu chứng, đây sẽ là nguồn lây bệnh cho người khác khi có tiếp xúc gần. Những người có triệu chứng như ở trên mà trước đó (trong vòng 14 ngày) có đi - đến hoặc trở về từ các nước Trung Đông hoặc là trong khoảng thời gian đó mà có tiếp xúc với người bệnh MERS-CoV thì cần phải chú ý để cách ly và xét nghiệm. Về đường lây truyền, virus này lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp, thông qua tiếp xúc gần.

* Hiện nay các nước bị lây nhiễm trong khu vực châu Á như Malaysia và Philippines đã có biện pháp phòng ngừa và khuyến cáo người dân như thế nào? Việt Nam đã áp dụng biện pháp gì để tránh bệnh lây lan?

- Ông Đặng Quang Tấn: Đến nay toàn cầu đã ghi nhận 826 trường hợp nhiễm MERS-CoV tại 22 quốc gia, trong đó có ít nhất là 287 trường hợp đã tử vong và phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều được ghi nhận tại các nước Trung Đông. Trong đó, Saudi Arabia có số ca mắc nhiều nhất, tại châu Á các nước Malaysia và Philippines đã ghi nhận những trường hợp mắc MERS-CoV và những người này cũng có tiền sử đi đến Saudi Arabia trở về. Các trường hợp mắc bệnh tại các nước khác đều đến từ các nước Trung Đông và khi trở về nước thì mắc bệnh này.

Tại Philippines hiện nay đã tăng cường việc kiểm tra xuất nhập cảnh từ vùng Trung Đông thông qua máy theo dõi thân nhiệt từ xa và Philippiines cũng đã áp dụng khai báo y tế đối với hành khách nhập cảnh từ các nước Trung Đông. Khi trở về, họ phải có giấy chứng nhận âm tính với virus MERS-CoV.

Còn tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo cả hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các trạm kiểm dịch tại các cửa khẩu biên giới, tăng cường giám sát hành khách nhập cảnh thông qua việc đo thân nhiệt từ xa để phát hiện những hành khách có biểu hiện sốt để kịp thời cách ly, tránh lây lan ra. Đồng thời thường xuyên cập nhật tình trạng dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng những thông điệp và khuyến cáo đối với người dân, khách du lịch, để người dân biết cách phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để triển khai việc khai báo y tế tại 3 sân bay quốc tế như: Nội Bài Hà Nội, Tân Sơn Nhất và sân bay Đà Nẵng. Việc khai báo này chỉ áp dụng với các hành khách nhập cảnh từ 9 nước khu vực Trung Đông.

* Trước tình hình này thì người Việt Nam có nên đi đến các vùng có dịch không? Và khi cần phải đến các vùng có dịch đó thì người dân phải làm gì để tránh nhiễm bệnh?

- Ông Đặng Quang Tấn: Cho đến nay, Tổ chức Y tế thế giới vẫn chưa có khuyến cáo nào về việc hạn chế đi lại tới các quốc gia đang có dịch bệnh. Tuy nhiên nếu muốn đi đến khu vực đó thì khách du lịch cần tìm hiểu đầy đủ các thông tin về tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động phòng ngừa việc lây nhiễm cho chính bản thân mình.

Thứ hai, trong thời gian đi du lịch phải luôn luôn giữ gìn vệ sinh cá nhân, trong đó thực hiện việc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Đó là một biện pháp rất tốt trong việc phòng tránh những bệnh truyền nhiễm nói chung.

Một khuyến cáo nữa là người dân nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với những người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Trong trường hợp cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh thì cần phải đeo khẩu trang hoặc là có những khoảng cách cho thích hợp. Tốt nhất là khi đi du lịch, nên tránh tiếp xúc với động vật hoặc vật nuôi.

Đặc biệt, khi tới các quốc gia vùng Trung Đông nên tránh tiếp xúc với lạc đà vì lạc đà là một ổ chứa virus gây hội chứng MERS-CoV này. Đối với những người trở về từ các nước Trung Đông trong vòng 14 ngày nếu thấy biểu hiện của viêm đường hô hấp cấp như sốt cao trên 38 độ C, có ho hoặc khó thở, hoặc có tiếp xúc gần với những người có dấu hiệu như vừa rồi thì cũng cần phải đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, thậm chí xét nghiệm để chẩn đoán xác định.

Đối với người dân và những người đi du lịch cần thường xuyên cập nhật thông tin và cách phòng chống Mers-Cov của Bộ Y tế để có thể trang bị cho bản thân các thông tin cần thiết trong việc phòng chống Mers-Cov cho bản thân mình.

* Xin cảm ơn ông về những thông tin này!

Bình luận