Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, trước đây, việc thực hiện kiểm định, cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có thời hạn hiệu lực 15 ngày đối với phương tiện thuộc đối tượng cảnh báo - liên quan đến vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 100.
Tuy nhiên, ngày 8/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 30 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Nghị định 30 quy định: Chưa thực hiện kiểm định đối với các trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; các trường hợp quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm được ghi trong biên bản vi phạm hành chính hoặc văn bản thông báo của người có thẩm quyền xử phạt mà chủ phương tiện, người vi phạm không đến trụ sở của người có thẩm quyền để giải quyết, xử lý; các trường hợp bị cảnh báo trên Chương trình quản lý kiểm định.
Sau khi chủ phương tiện, người vi phạm thực hiện các nghĩa vụ nêu trên thì được kiểm định theo quy định.
Ngoài ra, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có quy định: Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
Do đó, kể từ ngày 8/6, các đơn vị đăng kiểm thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 30.
Điều này đồng nghĩa với việc các phương tiện chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (chưa nộp phạt theo quy định), các phương tiện bị cảnh báo đăng kiểm sẽ không được thực hiện kiểm định, cấp giấy chứng nhận đăng kiểm và tem kiểm định tạm thời (có thời hạn hiệu lực 15 ngày) để di chuyển như trước đây.
Các chuyên gia cho rằng, quy định này sẽ tránh việc các chủ xe, doanh nghiệp lợi dụng quy định cho phép kiểm định xe tạm thời để tiếp tục lưu thông thời gian dài mà không chấp hành việc nộp phạt theo quy định, làm giảm tính răn đe của việc xử phạt.