Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với việc mở rộng phạm vi sửa đổi và quan điểm xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi) được nêu trong Báo cáo của Chính phủ. Nội dung sửa đổi đã cơ bản thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện môi trường pháp lý về giáo dục, phù hợp với Hiến pháp 2013.
ĐBQH Phạm Trọng Nhân tại phiên thảo luận sáng nay. Ảnh: SGGP
Phải đánh giá mô hình trường học VNEN
Đại biểu Dương Minh Tuấn, đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu, ghi nhận, thời gian không dài nhưng Ban soạn thảo đã rất cố gắng, điều chỉnh kịp thời để hoàn thiện dự thảo. Đưa ra nhận định này, đại biểu Dương Minh Tuấn đề nghị 1 nội dung, đó là: Việc thực nghiệm thí điểm phải qua Quốc hội, Thường vụ Quốc hội – phải có cơ quan kiểm chứng, cho ý kiến, phê duyệt trước khi thí điểm.
"Thực tế mô hình trường học mới (VNEN) đã tốn bao nhiêu tiền tỷ, nhưng vẫn chưa có tổng kết giai đoạn 2015. Cho nên tôi đề nghị ban soạn thảo phải có ý kiến về nội dung này. Việc thực nghiệm thí điểm phải qua Quốc hội, Thường vụ Quốc hội", đại biểu Dương Minh Tuấn nêu ý kiến.
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Nam, đoàn Bình Dương cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, tăng tính dân chủ, tự chủ của các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật Giáo dục lần này lại chưa toát lên được triết lý giáo dục. Phải làm rõ được triết lý giáo dục mới tạo nền tảng vững chắc để cái cách giáo dục. Triết lý giáo dục sẽ chi phối 3 trụ cột cơ bản của Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm: mục tiêu, chính sách cơ bản; hệ thống giáo dục và đội ngũ nhà giáo.
"Trên nền tảng đó, những cơ chế chính sách được ban hành để thoả mãn các trụ cột sẽ được vận hành theo hướng đổi mới để thích ứng với thời cuộc. Vì đầu ra của giáo dục là chính những con người quyết định cho sự hưng thịnh, tồn vong của dân tộc nên sứ mệnh của giáo dục chỉ có thể là phá bỏ những tư duy, thói quen cũ. Do đó, những tinh hoa của nhân loại, dân tộc và thời đại cần phải được chắt lọc để hướng dẫn thế hệ trẻ, tạo được nền tảng vững chắc của đạo luật này. Quốc hội đã quyết tâm cho một lần sửa đổi toàn diện thì cũng thêm một lần mạnh dạn tư duy cho một nền giáo dục thỏa mãn những yêu cầu và điều kiện của Cuộc cách mạng 4.0", đại biểu Văn Nam góp ý.
Nâng chuẩn giáo viên mầm non
Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với việc nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm như đề xuất của Chính phủ, cho rằng đây là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng của giáo dục mầm non trong xu thế phát triển của đất nước. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc nâng chuẩn này cũng cần được nghiên cứu, xem xét cho phù hợp với thực tiễn ở nước ta. Cụ thể, nên quy định kể từ khi Luật này có hiệu lực thì sẽ không tuyển người có trình độ trung cấp nữa; còn những giáo viên có trình độ trung cấp đang làm nhiệm vụ giảng dạy rồi thì cần có lộ trình để cho những giáo viên này nâng cao trình độ dần dần.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, đoàn Nghệ An nêu ý kiến: "Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên, có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn lực con người. Đội ngũ giáo viên mầm non là nhân tố quyết định chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ. Vì vậy, mục tiêu xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non được đào tạo bài bản, có chất lượng, có đạo đức là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học này, số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật giáo dục sửa đổi là trên 107.000 người, vì vậy tôi đề nghị phải có những quy định hợp lý để giáo viên yên tâm công tác trên cơ sở bố trí việc đào tạo, nâng chuẩn hằng năm, tránh tình trạng thiếu giáo viên".