Quận, huyện nào để xảy ra dịch tả heo Châu Phi thì Chủ tịch phải chịu trách nhiệm

(VOH) - Chiều 12/3, 24 quận, huyện và các sở ban ngành có liên quan họp về tình hình và công tác phòng chống dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn TP,

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, qua kiểm tra địa bàn, ghi nhận TPHCM đến nay chưa phát hiện đàn heo mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi. Hiện TP có gần 4.000 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn hơn 274.000 con; trong đó 247 hộ nuôi heo bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng quán ăn, có nguy cơ cao đối với bệnh dịch tả heo Châu Phi.

toàn cảnh buổi làm việc

Ông Huỳnh Tấn Phát - Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi Thú y TP cho biết, đối với những khu vực tập trung các hộ chăn nuôi nhập cư như xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh; Xuân Thới Thượng, Nhị Bình, Đông Thạnh của Hóc Môn và Phước Vĩnh An của Củ Chi, do đặc điểm của bệnh dịch tả heo Châu Phi là vi-rút chịu nhiệt khá tốt, do đó, trong thức ăn thừa, khi người nuôi nếu không nấu chín thì khả năng lây bệnh ở các hộ nuôi bằng thức ăn thừa rất cao.

Trung Quốc đã đánh giá khoảng 47% các nguyên nhân lan rộng dịch tả heo Châu Phi là vận chuyển, 32% là việc sử dụng thức ăn thừa. Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP đi kiểm tra, giám sát và hướng dẫn phải nấu thức ăn cho chín, phải rắc vôi ở lối ra vào cơ sở chăn nuôi.

Nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch tả heo Châu Phi từ 247 hộ nhập cư nuôi heo bằng nguồn thức ăn thừa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm yêu cầu chi cục Chăn nuôi và Thú y TP phải giám sát chặt chẽ 247 hộ chăn nuôi heo qua việc xử lý thức ăn thừa, phải thường xuyên kiểm tra giám sát chặt chẽ, hằng ngày đối với các hộ chăn nuôi heo này.

“Giao cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y cung cấp danh sách cho quận, huyện. Chính quyền địa phương phối hợp với Trạm Thú y. TPHCM đã có kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm rồi. Bây giờ phải làm ráo riết đối với 247 hộ chăn nuôi heo để phòng chống ngăn chặn dịch.”, ông Liêm nói.

Thành phố có 11 cơ sở giết mổ heo với số lượng giết mổ bình quân hàng đêm là 6.500-7.000 con heo/ngày, từ 25/2/2019 đến nay, thực hiện vận động của TP, các cơ sở giết mổ không tiếp nhận nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc nhằm hạn chế nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh vào địa bàn thành phố, nguồn heo nhập vào thành phố giết mổ chủ yếu từ Đồng Nai (46,41%), Bình Dương (19,03%), Bình Thuận (10,88%), Bà Rịa-Vũng Tàu (8,01%)…

Trên địa bàn huyện Củ Chi hiện có 5 lò giết mổ heo, công suất khoảng 3.500 con/ngày. Huyện đang triển khai giám sát, có phân công các thành viên trực tiếp chịu trách nhiệm về phòng chống dịch ở tại các lò giết mổ. Ông Lê Đình Đức- Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết huyện Củ Chi hiện có Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch của huyện cơ cấu các thành phần của Phòng/Ban liên quan và các xã/thị trấn.

Huyện cũng  thành lập Tổ liên ngành để phòng chống dịch nhằm bố trí, chốt chặn các tuyến đường, tuyến ngõ chính để phòng chống dịch và kiểm tra việc vận chuyển heo. Khi phát hiện dịch tả heo và việc xử lý tại chỗ được giao cho Trạm Thú y và Phòng Kinh tế huyện hướng dẫn giải pháp xử lý để đảm bảo an toàn sinh học.

Hiện nay nguồn gia súc nhập về TP đã được Chi cục Chăn nuôi Thú y TP kiểm soát chặt chẽ, các trường hợp nhập heo từ các tỉnh phía Bắc vào đều được lấy mẫu giám sát dịch bệnh. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch tả heo Châu Phi còn khó khăn khi một số địa bàn vẫn còn tình trạng giết mổ heo trái phép hoạt động đặc biệt là quận Gò Vấp, quận 12, Bình Tân.

Mặc dù các địa phương có chỉ đạo xử lý, tuy nhiên chưa xử lý dứt điểm, đây là nguy cơ phát sinh dịch bệnh do các hộ tiếp nhận nguồn heo không qua kiểm dịch, cung cấp trực tiếp cho các khu công nghiệp, chợ truyền thống, chợ tự phát, nhà hàng quán ăn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm nêu rõ 24 quận,huyện tuyệt đối không được để xảy ra dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn TPHCM. Quận,,huyện nào có chăn nuôi heo mà để xảy ra dịch này thì Chủ tịch UBND quận, huyện đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP.

Để chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả heo Châu Phi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP phát hành trên 4000 tờ bướm tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch tả heo Châu Phi cho tất cả hộ chăn nuôi heo. Tổ chức họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch cho các trang trại, công ty sản xuất giống nhằm tăng cường bảo vệ cho đàn heo giống của TP. Triển khai tiêu độc khử trùng nhằm giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh./.