Quản lý thực phẩm từ gốc- Phải đăng ký cấp phép từ khâu nuôi trồng

(VOH) - Hội thảo "Quản lý an toàn thực phẩm từ gốc ở TPHCM-thực trạng và giải pháp" đang diễn ra sáng nay 23/5 thu hút sự đóng góp nhiều giải pháp đột phá cho TPHCM.

Hội thảo do Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng Nhân dân TP phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển tổ chức.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp tại TPHCM chỉ đáp ứng được khoảng 20 đến 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập khẩu từ các tỉnh hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau. Do vậy, Thành phố gặp khó trong quản lý và truy xuất nguồn gốc khi có sự cố về an toàn thực phẩm nông, lâm thủy sản.

Thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung vào mối liên kết trong quản lý thực phẩm nông sản từ gốc, đồng thời thực hiện xử lý mọi hành vi sai phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Chỉ quản được phần ngọn

Nhìn nhận từ góc độ quản lý nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, bà Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Quản lý và Kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức cho biết, do nguồn hàng không chủ động nên trách nhiệm rất nặng nề. Chợ chỉ truy xuất nguồn gốc còn việc nuôi trồng như thế nào thì không thể với tới được.

Đây là cái khó trong quản lý vì cơ quan chức năng chỉ giám sát ở phần ngọn, quan trọng nhất là phải làm sao người kinh doanh, sản xuất, nuôi trồng, chế biến thực phẩm ý thức trách nhiệm của mình.

Toàn cảnh hội thảo "Quản lý an toàn thực phẩm từ gốc ở TPHCM - Thực trạng và giải pháp" sáng 23/5/2017

Đăng ký từ khi bắt đầu nuôi, trồng

Bà Nguyễn Thị Dân An – Trưởng Phòng Y tế  - Ủy ban Nhân dân huyện Bình Chánh cho biết, dù cơ quan chức năng thường xuyên giám sát và hỗ trợ cải thiện tình trạng bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhưng các trường hợp bị nhắc nhở còn khá nhiều.

Hiện nay, 3 điểm nghẽn trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Thứ nhất là chưa kết nối giữa người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tiêu thụ thực phẩm an toàn, thứ hai nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm chưa đồng đều và thứ ba là nguồn lực dành cho công tác này chưa tương xứng.

Do vậy, bà Nguyễn Thanh Hà đề nghị khi bắt tay vào nuôi trồng, sản xuất nên buộc nông dân muốn trồng sản phẩm gì, sử dụng phân bón như thế nào nên đăng kí cụ thể, sau khi được cấp phép thì mới tiến hành, có như vậy thì chúng ta mới giám sát được.

Ở góc nhìn khác, bà Lý Kim Chi  - Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP đề nghị nên khuyến khích và kêu gọi đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sạch, xây dựng các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Một vấn đề khác đặt ra là TPHCM có thị trường tiêu thụ mà 85% thực phẩm có nguồn gốc từ các tỉnh, thành khác, nếu TP đơn phương thực hiện một số cơ chế, chính sách ràng buộc, những tiêu chí an toàn thực phẩm đặc thù thì tính khả thi như thế nào? Đây cũng là điều mà thời gian tới cần phải tiếp tục nghiên cứu và hiến kế. 

Tiến sĩ-bác sĩ Lê Trường Giang phát biểu tại hội thảo

Bó tay với hóa chất phụ gia

TS.BS Lê Trường Giang – Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP – nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP, có hơn mười năm quản lý lĩnh vực này, trăn trở về nhiều giải pháp đã có nhưng làm chưa "đến nơi đến chốn".

Ông Giang dẫn chứng, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm là khâu liên hoàn, kết nối đa dạng “từ trang trại đến bàn ăn” do đó rất khó quản lý. Để kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu từ gốc, TPHCM đã đề xuất và được Chính phủ cho phép thực hiện Đề án quản lý thực phẩm theo mô hình “Chuỗi thực phẩm an toàn” nhưng thị phần sản phẩm thực phẩm thuộc chuỗi quá khiêm tốn.

Thêm vào đó, hiện đã có quy định xử phạt cơ cở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm đầu vào nhưng cơ quan quản lý lại chưa mạnh dạn tận dụng để xử phạt. Người tiêu dùng có quyền yêu cầu đơn vị bán xuất trình được nguồn gốc nguồn nguyên liệu, hóa chất, phụ gia..Các nội dung này vẫn chưa làm được ! 

Đau đầu nhất hiện nay theo TS.BS Lê Trường Giang là tình trạng buôn bán lẫn lộn giữa hóa chất trong phụ gia thực phẩm và trong công nghiệp tại chợ Kim Biên. Hóa chất phụ gia trong thực phẩm là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng đến giờ việc quản lý gần như bó tay. 

Kết thúc hội thảo, bà Thi Thị Tuyết Nhung – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân TP cho rằng, qua hội thảo này, với sự đóng góp ý kiến, hiến kế, giải pháp từ các cơ quan ban ngành, các đơn vị trực tiếp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ là tiền đề để TPHCM xem xét thấu đáo để đưa ra những giải pháp mang tính đột phá, phù hợp với đặc thù của TPHCM.