Chờ...

Quảng Ninh: Nguy cơ cháy rừng gia tăng sau bão số 3

VOH - Quảng Ninh đang phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng cao, đặc biệt sau khi bão số 3 gây thiệt hại lớn cho diện tích rừng trên địa bàn tỉnh.

Vấn đề này đã trở thành mối quan tâm hàng đầu khi liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy rừng trong thời gian ngắn, thiêu rụi hàng chục hecta rừng.

Ngày 4/10, một vụ cháy rừng xảy ra tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long, bắt đầu từ việc một người dân đốt rác vườn nhưng không kiểm soát được ngọn lửa. Đến rạng sáng 5/10, đám cháy đã lan ra khu vực rừng lân cận và thiêu rụi khoảng 10ha rừng. Trước đó, từ 28/9 đến 4/10, Quảng Ninh đã ghi nhận thêm ba vụ cháy rừng khác tại huyện Vân Đồn, cụ thể ở các xã Minh Châu, Quan Lạn, Thắng Lợi.

chay rung_voh
Cháy rừng tại Quảng Ninh ước khoảng 10 ha rừng bị thiêu rụi. - Ảnh: TTXVN

Nguyên nhân chính khiến cháy lan nhanh và khó kiểm soát là do rừng bị thiệt hại từ bão số 3, với cây cối gãy đổ gặp điều kiện khô hanh, cộng thêm gió lớn làm ngọn lửa bùng phát mạnh. Địa hình dốc và các tuyến đường vào khu vực cháy hẹp cũng gây khó khăn cho lực lượng phòng cháy chữa cháy.

Theo thống kê, bão số 3 đã làm thiệt hại hơn 120.000ha rừng tại Quảng Ninh, chiếm tới 70% tổng diện tích rừng bị thiệt hại trên toàn quốc. Tổng thiệt hại về lâm nghiệp của tỉnh ước tính lên tới 6.400 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 22.000 hộ dân sống bằng nghề rừng, bao gồm các hộ gia đình được giao đất và khoán trồng rừng.

Trước tình hình này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện chiến dịch thu dọn, vệ sinh và tận dụng lâm sản trên các khu vực rừng bị thiệt hại. Mục tiêu là hoàn thành trước ngày 31/10/2024, nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng và khắc phục hậu quả bão.

Trước tình hình cháy rừng phức tạp, UBND tỉnh đã ban hành văn bản phát động đợt cao điểm thu dọn và phòng chống cháy rừng. Theo đó, các địa phương phải lập kế hoạch chi tiết, thiết kế các đường băng cản lửa để ngăn cháy lan, đồng thời huy động lực lượng theo phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng, chỉ huy, phương tiện và hậu cần tại chỗ) nhằm xử lý kịp thời các tình huống.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn lao động trong quá trình triển khai. Các địa phương cần chú trọng tuyên truyền về Luật Phòng cháy và chữa cháy cho người dân, nhất là những hộ dân sống gần rừng, nhằm nâng cao nhận thức và phòng tránh rủi ro. Ông cũng yêu cầu các địa phương phải báo cáo kịp thời nếu xảy ra cháy lớn để có phương án ứng phó nhanh chóng, tránh thiệt hại nặng nề.

Đối với các diện tích rừng phòng hộ và rừng trồng từ ngân sách nhà nước, UBND tỉnh yêu cầu phải giữ nguyên hiện trạng theo quy định, không được tận thu hay chuyển đổi mục đích sử dụng.