Quốc hội chất vấn Tư lệnh ngành Giáo dục và Đào Tạo

(VOH) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

 Nhóm vấn đề chất vấn về giáo dục và đào tạo đã nhận được sự tham gia của rất nhiều đại biểu, nêu lên nhiều vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm. Các nội dung từ giáo dục mầm non, bậc học phổ thông, đại học đến những vấn nạn như bạo hành trẻ em, xâm hại tình dục,.. đã được nhiều đại biểu đề cập. Có ý kiến cho rằng hiện nay việc cấp giấy khen dần mất giá trị vì điểm số cho quá dễ, tỷ lệ khá giỏi quá nhiều, đó là biểu hiện của bệnh thành tích trong giáo dục. Ngoài ra, việc đánh giá phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông không hiệu quả, đổi mới chương trình phổ thông và đổi mới sách giáo khoa chưa hiệu quả cũng được các đại biểu đặt ra cho tư lệnh ngành giáo dục và đào tạo.

kỳ họp lần thứ 5 quốc hội khóa 14

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: TPO

Về phần mình, đại biểu Bùi Thị Thủy – đoàn Thanh Hóa cho rằng, cần tăng cường đối thoại trong trường học để ngăn ngừa tiêu cực: "Bộ trưởng có biết rằng việc tăng cường đối thoại giữa giáo viên, các nhà quản lý giáo dục với học sinh và phụ huynh là 1 trong những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của 1 bộ phận giáo viên và học sinh hiện nay?".

Ý kiến này được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhất trí, chỉ ra rằng Bộ đã nhìn thấy thực trạng này. Bộ trưởng thẳng thắn chỉ rõ, dân chủ trong trường học nói chung, đặc biệt là khối phổ thông thời gian qua còn hạn chế và Bộ đã có giải pháp: "Chúng tôi sửa thông tư 55 để phụ huynh tăng cường giám sát, đồng thời tăng cường công khai, minh bạch. Bộ cũng đang sửa chuẩn của hiệu trưởng và giáo viên, có tiêu chí về dân chủ, làm sao việc đối thoại, giám sát phải được minh bạch, phát hiện ngay từ đầu. Chúng tôi rất chia sẻ với ý kiến này và tin rằng tới đây sẽ có chuyển biến".

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - đoàn Nam Định, trích báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn trong kỳ họp thứ 2 nêu rằng kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước và tổ chức quốc tế ghi nhận đánh giá cao. Đây là những đánh giá tích cực. Tuy nhiên đại biểu cũng băn khoăn về chất lượng giáo dục đại học hiện nay: "Về giáo dục đại học chúng tôi rất băn khoăn. Như báo cáo cũng nêu chất lượng đào tạo đại học chưa cao, đặc biệt là sau đại học.... Xin Bộ trưởng cho biết giáo dục đại học của chúng ta đang ở đâu trong bảng xếp hạng Châu Á? Và giải pháp nào để nâng cao vị trí xếp hạng?".

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn này nêu rõ, Giáo dục Đại học một số nhóm ngành tốt, về cơ bản còn thấp không đáp ứng thị trường lao động. Nguyên nhân trước hết là chương trình đào tạo chưa sát với thị trường, chủ yếu do các thầy cô xây dựng chương trình theo hiểu biết, rồi điều kiện đảm bảo chất lượng, giáo viên, cơ sở vật chất tài chính nhiều vấn đề. Bộ trưởng cho biết: "Tới đây chúng tôi cố gắng không dàn trải, những trường chất lượng vừa phải, xem xét sát nhập, giải thể. Các giải pháp nâng cao chất lượng, liên quan đến tự chủ. Tự chủ là một trong những điểm nghẽn khiến các trường không chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực".

Có đại biểu chất vấn cho rằng hiện có hơn 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm, gây lãng phí và bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân có cả trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người học. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận thực trạng này là có thật, những giải pháp căn cơ vẫn là chất lượng. Chất lượng chuẩn được kiểm định bằng chất lượng quốc tế và thị trường. Bộ trưởng nêu giải pháp là mở rộng, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, nâng cao chuỗi giá trị. Nâng cao chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất. Tuyển sinh phải gắn với thị trường, nhu cầu nguồn lao động, phải gắn trách nhiệm của trường với thị trường, với người học. Bộ sẽ tăng cường hậu kiểm, công khai minh bạch.