Chờ...

Quốc hội đòi hỏi Chính phủ quyết tâm trong xử lý nợ xấu

(VOH) - Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV, chiều nay 22/5, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 và nghe các báo cáo: Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; nghe Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; và nghe báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. 

Báo cáo trước đại hội về quyết toán Ngân sách nhà nước 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2015 tổng thu ngân sách nhà nước 911.100 tỷ trong đó, tổng chi 1.147.100 tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước 226.000 tỷ đồng, tương đương 5%GDP. 

Các khoản quản lý thu chi qua ngân sách nhà nước 109.686 tỷ đồng. Các khoản vay về, cho vay lại 40.900 tỷ đồng. Năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển KTXH 2011 - 2015, năm tạo đà cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016 - 2020 chính vì thế, để cân đối thu chi, dự toán ngân sách 2016, Quốc hội đã bổ sung ngân sách 30.000 tỷ đồng vốn vay ngân sách cho năm 2015.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (Ảnh: Quochoi.vn)

Về nguyên nhân mức chi vượt nguồn thu ở ngân sách địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay: “Tại Nghị quyết số 78 và 99, Quốc hội quyết định mức bội chi ngân sách nhà nước là 256.000 tỷ đồng. So với GDP dự toán là 4.480.000 tỷ đồng thì bằng 5,71%GDP; so với GDP thực hiện là 4.192.862 tỷ đồng thì bằng 6,1%.

Quyết toán số bội chi là 263.135 tỷ đồng, tăng 7.135 tỷ đồng so với dự toán Quốc hộ quyết định, bằng 6,28% GDP thực hiện. Do thực hiện hoàn thuế GTGT theo quy định cao hơn dự kiến khi xây dựng kế hoạch thu là 7.452 tỷ đồng nên tăng bội chi tương ứng.

Hai là thu từ dầu thô: dự toán giao 93.000 tỷ đồng, quyết toán có 67.510 tỷ đồng, đạt 72,6%, giảo 25.490 tỷ đồng so với dự toán”.

Nghe phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tình trạng nợ thuế trong năm 2015 cũng ở mức cao. Tổng số nợ thuế đến 31/12/2015 là trên 79.000 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2014. Đáng chú ý, nợ khó thu tăng 42% với 5.742,6 tỷ đồng.

Đây cũng chính là lý do mà chiều nay, Quốc hội dành phần lớn thời gian bàn nhiều đến vấn đề quản lý và xử lý nợ xấu hiệu quả, trong đó đặc biệt là tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; nghe Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; và nghe báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ những nguyên nhân tình trạng nợ xấu diễn ra ngày càng nhiều: “Việc xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản đảm bảo, bán khoán nợ theo cơ chế thị trường, thu nợ khách hàng vay còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó xử lý nợ xấu một cách triệt để.

Nhiều khoản nợ xấu tại các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt có liên quan đến các vụ án trong quá trình điều tra, truy tố nên thời gian giải quyết bị kéo dài; cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo còn nhiều bất cập, gây nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và VAMC. Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản đảm bảo và mua bán nợ xấu.

Thị trường mua bán nợ chậm phát triển làm cho việc quản lý nợ xấu kéo dài hơn và tăng thêm chi phí do nợ xấu gây ra cho các tổ chức tín dụng, khách hàng vay cũng như cả nền kinh tế. Sau gần 4 năm đi vào hoạt động VAMC còn thiếu nguồn lực, cơ chế, chính sách và quy định pháp lý phù hợp để xử lý nhanh nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua.

Nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại, tính đến 21/12/2016, tỷ lệ nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% trong tổng dư nợ cho vay và đầu tư đối với nền kinh tế. Nếu tính cả nợ xấu đã được cơ cấu lại, giữ nguyên nhóm nợ, tỷ lệ này sẽ là 10,8% trên tổng dư nợ cho vay và đầu tư đối với nền kinh tế”.

Nghe phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng

Thống đốc Ngân hàng nhà nước VN Lê Minh Hưng tại Quốc hội chiều 22/5 . (Ảnh: Quochoi.vn)

Trình bày trước Quốc hội về một số biện pháp để giải quyết và xử lý nợ xấu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đề cập đến một số nội dung trong tờ trình Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến một số biện pháp: 

“Ủy ban kinh tế tán thành với việc cần thiết phải có quy định nguyên tắc xử lý nợ xấu. Nhiều ý kiến đề nghị thiết kế lại các nguyên tắc thành các khoản trong Điều 4; bổ sung nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước để giải quyết nợ xấu - quy định này phù hợp với bối cảnh hiện nay và Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm Quốc gia 2016 - 2020.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn, nếu thời hạn thực hiện của Nghị quyết 5 năm kéo dài đến 1/7/2022, thì nguyên tắc này sẽ được áp dụng cho cả giai đoạn 2 năm đầu tiên của kế hoạch tài chính 5 năm 2021 - 2025.

Ủy ban kinh tế cho rằng, cần rà soát các quy định cụ thể trong Nghị quyết để bảo đảm phù hợp với nguyên tắc này chứ không quyết định về miễn thuế, phí liên quan đến quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Mặt khác, đồng thời với quá trình xử lý nợ xấu, Chính phủ cần tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức cố tình gây ra thực trạng nợ xấu”.

Nghe phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn) 

Ngày mai, 23/5, Quốc hội tiếp tục làm việc với các nội dung về Tờ trình dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi); nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.