Quốc hội sắp xem xét điều chỉnh Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/8/2024

VOH - Chiều 8/6, 463/465 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024.

Theo nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội quyết định điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 theo hướng: Bổ sung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng và Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng vào chương trình.

Những nội dung trên dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại đợt 2, Kỳ họp thứ 7 (cuối tháng 6/2024) theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Giải trình, tiếp thu nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có ý kiến đề nghị làm rõ thêm sự cần thiết, tính cấp bách, khả thi của việc ban hành Luật điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

quoc-hoi-luat-dat-dai
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 - Ảnh: Quốc hội

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có nhiều quy định đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Việc sớm triển khai thi hành các luật nêu trên sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, bất cập, đưa các chính sách mới đã được Quốc hội quyết định vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, đẩy mạnh phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự án Luật vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và biểu quyết thông qua ngay tại đợt 2 của kỳ họp này theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chỉnh lý tên gọi của Luật cho phù hợp với phạm vi sửa đổi là chỉ điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của các luật sớm hơn - cụ thể là từ ngày 1/8.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), các luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến gồm Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Điện lực (sửa đổi).

10 dự án luật dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 gồm: Luật Cấp, thoát nước; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Dẫn độ; Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc; Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Tương trợ tư pháp về hình sự; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Bình luận