Cân nhắc kỹ lưỡng hình phạt đối với trẻ thành niên
Tham gia góp ý vào dự án sửa đổi, bổ sung của Bộ luật Hình sự số 100, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, (đoàn Bình Dương) chưa đồng tình với báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở Điều 12 của Bộ luật Hình sự 2015. Đồng thời, ông Hồng bày tỏ quan điểm, việc thực hiện chính sách nhân đạo đối với trẻ em độ tuổi từ chưa đủ 14 đến dưới 16 tuổi và từ 16 đến dưới 18 tuổi là cần thiết nhưng phải căn cứ trên cơ sở đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.
“Bộ luật Hình sự quy định về tội phạm và hình phạt, thế thì tính công bằng đối với các độ tuổi này khi thực hiện các hành vi phạm tội khác như thế nào, chỉ xét riêng ở độ tuổi này thôi cũng đã không công bằng. Số liệu thực tế, từ năm 2010 - 6/2016, toàn quốc phát hiện gần 48.000 vụ vi phạm mà đối tượng dưới 18 tuổi, nếu giới hạn trong 28 tội này, nghĩa là sẽ có một khoảng trống rất lớn trong đấu tranh phòng chống tội phạm” - đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đề nghị Quốc hội thảo luận thêm.
Trong chiều nay, có 44 lượt đại biểu đăng ký phát biểu tranh luận, trong đó, chính sách xử lý hình sự đối với người chưa thành niên thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Trước tình hình này, Phó Chủ tịch Quốc hội, Uông Chu Lưu, cho biết: “Điều 12 về chính sách xử lý hình sự với người chưa thành niên ở độ tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi là vấn đề rất lớn, rất quan trọng.
Do đó, ý kiến đại biểu Quốc hội hiện nay vẫn tập trung vào 2 phương án với những lập luận, lý lẽ hợp lý, thuyết phục. Vấn đề lớn mà ý kiến khác nhau thì đoàn Chủ tịch hội ý sẽ gửi phiếu xin ý kiến đại biểu QH. Đề nghị đại biểu thảo luận, cho ý kiến vào phương án đó”.
Đề nghị xử lý hình sự hành vi tiêu thụ động vật chết do dịch bệnh
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho biết: tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thời gian qua, lực lượng chức năng của nhiều địa phương đã bắt được nhiều vụ sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật còn sống nhưng bị cơ quan chức năng buộc đưa đi tiêu hủy nhưng cố tình giữ lại chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít những vụ việc bị phát hiện, số còn lại vẫn qua mắt các cơ quan chức năng quản lý, được tiêu thụ trót lọt và xuất hiện trên bàn ăn của các nhà hàng, các cơ sở kinh doanh thực phẩm.
Do vậy, bà Hoa đề nghị: “Tôi đồng tình với Điều 317 của Bộ Luật hình sự 2015 và bổ sung thêm hành vi cấm sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân bị tiêu hủy để chế biến thực phẩm. Để không xử lý hình sự tràn lan cần bổ sung một số tình tiết như là đã từng bị xử lý hành chính hoặc vi phậm, gây ngộ độc cho 5 người trở lên”.
Cũng về vấn đề xử lý hình sự đối với tội phạm mua bán hàng cấm, hàng ngoại nhập, đại biểu Dương Ngọc Hải (đoàn TPHCM) nêu ý kiến có những mục trái với các luật đã và đang được thực hiện.
Đại biểu Dương Ngọc Hải (đoàn TPHCM)
“Tôi đồng ý với quy định xử lý thuốc lá ngoại nhập là hàng cấm theo điều 190, 191 Bộ Luật hình sự, do phụ lục số 04 Luật Đầu tư đã được Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, QH khóa XIV sửa đổi thông qua.
Theo đó, thuốc lá không nằm trong mục hàng cấm mà là kinh doanh có điều kiện. Do vậy, nếu như điều 190, 191 chúng ta quy định thuốc lá ngoại nhập là hàng cấm thì trái với Luật Đầu tư. Do đó tôi đề nghị sửa đổi, xem lại quy định này”.
Sáng mai 25/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý ngoại thương; và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý ngoại thương.