Quốc hội thảo luận tổ về Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP

(VOH) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Hiệp định này điều chỉnh nhiều vấn đề từ thương mại truyền thống như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư...

Sáng 2/11, tiếp tục kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Tiếp đó Quốc hội nghe Báo cáo thuyết minh và thẩm tra về Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.

Trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Hiệp định này điều chỉnh nhiều vấn đề từ thương mại truyền thống như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn phố biến trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA); các vấn đề ít truyền thống hơn như mua sắm của các cơ quan Chính phủ, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước và mở rộng ra cả các vấn đề được coi là phi truyền thống trong đàm phán, ký kết các FTA như lao động, môi trường, chống tham nhũng, thương mại và đầu tư.

Về tổng thể, Hiệp định CPTTP vẫn được đánh giá là một Hiệp định thương mại tự do chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.

“Việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp đinh CPTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết manh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của đất nước trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị-an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.

Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTTP, đặc biệt là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược.”,  Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Đa số các đại biểu cho rằng việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP là thể hiện quyết tâm chính trị, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta và có tác động tích cực đến phát triển kinh tế -xã hội của đất nước. Tuy nhiên báo cáo của Chính phủ mới chỉ đánh giá tác động ở mức độ định tính, chưa định lượng mức độ ảnh hưởng đến ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, người dân, thu ngân sách… cũng như chưa dự kiến các chính sách để hỗ trợ các chủ thể bị tổn thất, rủi ro phát sinh khi Hiệp định có hiệu lực.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, khi tham gia vào hiệp định CPTPP cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Những nước tham gia vào CPTPP đều có thu nhập bình quân đầu người trên 30.000 đô la Mỹ nên thị trường sẽ có những đòi hỏi về tiêu chuẩn chất lượng cao. Cần tiếp tục đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để tránh tình trạng nhập siêu, ảnh hưởng đến nền kinh tế vỹ mô.

“Khi nhắm đến thị trường này thì chúng ta nhắm đến thị trường tiêu chuẩn cao, chất lượng cao, thích hợp với người thu nhập cao. Khi chúng ta tái cơ cấu nền kinh tế chúng ta cải tiến nâng cao chất lượng năng suất lao động thì yếu tố về năng suất, giống mới, cây giống con giống với năng suất cao và an toàn phải đặt lên hàng đầu thì ta mới có hội để đi vào thị trường này”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết. 

Còn theo đại biểu Nguyễn Việt Dũng, sở hữu trí tuệ vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam, một nước có trình độ phát triển thấp nhất trong 11 quốc gia tham gia CPTPP. Hiện nay, việc thực thi các quy định về sở hữu trí tuệ, thực hiện biện pháp cải thiện, khắc phục các trường hợp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta hiện nay là một thách thức lớn đối với Nhà nước.

“Pháp luật bảo vệ quyền lợi sở hữu trí tuệ không tốt, chính vì vậu làm cho việc phát triển tài sản sở hữu trí tuệ của dân tộc rất chậm. Đó chính là vấn đề để phát triển nền kinh tế tri thức, phát triển đổi mới sáng tạo. Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Nó chính là cốt lõi trong việc cạnh tranh giữa các nước với nhau”, Đại biểu Nguyễn Việt Dũng cho biết. 

Các đại biểu cũng cho rằng cần xây dựng đề án tuyên truyền, phổ biến đến các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân trước khi thông báo Hiệp định có hiệu lực; chuẩn bị nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng quá trình triển khai Hiệp định.

Sáng nay, 2/11 Quốc hội nghe trình xem xét phê chuẩn hiệp định CPTPP - Đến nay, đã có 6 nước phê chuẩn CPTPP gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia.
Quốc hội xem xét đề nghị phê chuẩn Hiệp định CPTPP - Tiếp tục kỳ họp thứ 6, sáng 2/11, Quốc hội đã nghe Chủ tịch nước báo cáo về việc đề nghị QH phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện ...
Bình luận