Chiều 22/10, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14, các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14 ngày 22/10/2019.
Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.
Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đồng tình với báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra và cho rằng mặc dù năm 2019 tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thị trường trong nước và quốc tế biến động khá mạnh, trong điều kiện nền kinh tế nước ta có độ mở lớn và hội nhập sâu, thiên tai, dịch bệnh, môi trường ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Song với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, sự cố gắng của các thành phần kinh tế và Nhân dân, tình hình năm 2019 đạt những kết quả toàn diện và khá tích cực. Tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,8%, và có thể đạt gần 7% nếu cố gắng. Quy mô của nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người đều tăng. Cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô xét trên cả 4 mặt gồm CPI, cán cân xuất nhập khẩu, bội chi và nợ công, lao động việc làm đều đạt ổn định và có bước phát triển tốt, từ đó tạo sự phát triển vững chắc cho nền kinh tế, tăng sự tín nhiệm về tài chính nước ta.
Tuy nhiên theo đại biểu Phạm Phú Quốc, chúng ta còn phụ thuộc vào yếu tố xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI. Ngoài ra việc xuất khẩu tuy tốt nhưng hầu hết các nguyên liệu công đoạn chúng ta phải nhập khẩu: “Làm thế nào để các DN tư nhân lớn thì lớn hơn, nhỏ thì thành vừa, vừa thì lên lớn và làm thế nào để bảo vệ được các DN. Chúng tôi thiết nghĩ đối với việt nam thì nên hình thành luật bảo vệ Dn bảo vệ nhà đầu tư...”
Về việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, theo tờ trình của Chính phủ, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan để Chính phủ trình Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và đưa vào Nghị quyết tại kỳ họp thứ tám.
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội việc Chính phủ chậm ban hành hai nghị định hướng dẫn đã làm cho các tổ chức, cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước không có cơ sở thực hiện nghĩa vụ nộp tiền; các cơ quan quản lý nhà nước cũng không thu số tiền phải nộp, dự tính gần 5.000 tỉ đồng.
Một số đại biểu không tán thành với quan điểm trên và cho rằng, việc chậm ban hành nghị định hướng dẫn đã dẫn đến những khó khăn vướng mắc là trách nhiệm của Chính phủ. Vì vậy, nếu Quốc hội cho lùi thời gian thực hiện sẽ tạo tiền lệ xấu trong việc thực thi pháp luật, đồng thời, làm hụt một khoản thu lớn, trong khi ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng: “Tôi chưa an tâm là vì hiệu lực luật đã có nhưng mình nói là lùi đi nữa thì QH thừa nhận thời hạn đó luật không có giá trị pháp lý thì chính chúng ta tự mâu thuẫn chính mình. Chính mình quyết định về luật nhưng chính mình cũng phủ định hiệu lực về luật. Thứ hai là việc lùi lại trái luôn cả những quyết định QH ban hành”
Đồng tình với quan điểm trên, theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, trước khi cấp phép khai thác khoáng sản cũng như tài nguyên nước thì bao giờ cũng phải có đầy đủ hồ sơ để được cấp phép trong đó có việc cam kết phải đóng các khoản phí thuế nào. Đại biểu đặt câu hỏi tại sao suốt một thời gian dài mà tới bây giờ Quốc hội mới được biết vấn đề này?
“Trong thời gian 4 -5 năm như vậy tôi khẳng định có những DN khi người ta làm chỉ 1 vài năm người ta thu có lời sau đó người ta chuyển nhượng cho 1 người khác. Thì biết đâu những người mua sau mới gặp những khó khăn rồi họ không có khả năng nộp. Hoặc họ cũng có thể lợi dụng sự dễ dãi trong vấn đề thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng...” - đại biểu Nguyễn Minh Đức nói.
Về vấn đề sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015, các đại biểu cho rằng cần cân nhắc kỹ về vấn đề này, nhiều tỉnh đã làm tốt, còn một số tỉnh chưa làm tốt vấn đề sử dụng quỹ kết dư bảo hiểm y tế, nhưng vấn đề kỷ cương kỷ luật phải đảm bảo thực hiện một cách nghiêm túc ở tất cả các tỉnh; cần chỉ rõ việc tổ chức thực hiện thời gian vừa qua do đâu mà dẫn đến việc chậm này. Để giải quyết vấn đề này thì Chính phủ cần phải có cơ sở giải thích thuyết phục hơn.
Ngày 23/10/2019, Quốc hội họp phiên toàn thể nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). |