Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và Luật Chăn nuôi

(VOH) - Hôm nay 14/6, QH biểu quyết thông qua 2 dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao, Luật Đo đạc và bản đồ; thảo luận về dự án Luật CAND (sửa đổi) và Luật Chăn nuôi. 

Buổi sáng, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi. Dự thảo luật này nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu khi đưa ra nhiều đề xuất mới so với luật hiện hành. Việc điều động 25 ngàn công an chính quy trong biên chế xuống đảm nhận các chức danh công an xã là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội tán thành.

Đại biểu Trần Văn Mão, đoàn Nghệ An nêu ý kiến: Lực lượng công an xã còn chưa đủ mạnh, yếu về chất lượng, thiếu về số lượng. Đòi hỏi phải tăng cường mọi mặt để công an xã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên dự án cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng lộ trình, từng bước chính quy hóa lực lượng công an xã, tránh xáo trộn, và ảnh hưởng đến lực lượng công an xã đang hoạt động hiện nay…

Một đề xuất nhận được nhiều sự quan tâm nhất của đại biểu Quốc hội là đề nghị cấp hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Giám đốc công an các tỉnh thành. Nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất này. Đại biểu Phạm Văn Hoà – đoàn Đồng Tháp, cho rằng: Tôi đề nghị ban soạn thảo nên giữ hàm cấp Đại tá đối với GĐ công an tỉnh như hiện nay. Loại ý kiến thứ 3 trong báo cáo thẩm tra, lý do đã có ĐBQH thảo luận ở tổ cho tương xứng với chỉ huy trưởng quân sự ở cấp tỉnh. Tương ứng như vậy thì trần Giám đốc công an (GĐ CA) TP HN và TPHCM chỉ là thiếu tướng, cấp phó của 2 đơn vị này là đại tá, cho tương thích với GĐ CA các tỉnh thành khác…..

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Chăn nuôi, các đại biểu cũng cho rằng Dự án Luật Chăn nuôi trình Quốc hội chưa bao hàm những vấn đề căn cơ giải quyết về phát triển chăn nuôi. Một số đại biểu cho rằng việc sử dụng chất kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để trị bệnh và phòng bệnh cho vật nuôi phải tuân theo quy định của pháp luật về thú y. Tồn dư kháng sinh, hóa chất trong sản phẩm chăn nuôi vượt ngưỡng cho phép sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vì vậy không khuyến khích sử dụng kháng sinh, hóa chất trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Đại biểu Mai Sỹ Diến, đoàn Thanh Hóa nêu ý kiến: Kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi mà tồn dư trong sản phẩm chăn nuôi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng và rất khó xác định đối với tiêu thụ nhỏ lẻ và chăn nuôi nhỏ lẻ. Mà người tiêu dùng ở đây lại là nông dân, người lao động, học sinh sinh viên. Tôi thấy hết sức cân nhắc quy định này. Nếu cho sử dụng như dự thảo thì chi phí đầu vào của sản phẩm chăn nuôi giảm, nếu cấm thì tăng chi phí đầu vào. Và nếu để điều này thì phải bổ sung đầy đủ cụ thể vào dự thảo luật để được QH thảo luận và bấm nút thông qua…

Về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 7 dự thảo Luật, có ý kiến đại biểu đề nghị rà soát, bổ sung các hành vi nghiêm cấm cho rõ ràng, chặt chẽ và phù hợp hơn, ví dụ như Khoản 1 quy định cấm “chăn nuôi trong nội thành, nội thị,…”, “chăn nuôi trang trại trong khu dân cư” cần có lộ trình để thực hiện; đề nghị cân nhắc trường hợp chăn nuôi trong khu vực nội thành, nội thị vẫn đảm bảo quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của cơ sở chăn nuôi và môi trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, đoàn Vĩnh Long, cho biết: thực tiễn cho thấy việc phân bố khu dân cư ở khu vực đồng bằng luôn đông đúc, nếu đặt xa khu vực đông dân cư này thì sẽ gần khu vực đông dân cư khác. Trong khi đó ở khu vực miền núi kiến trúc nhà sàn, với tập quán sinh sống ở tầng trên, chăn nuôi ở tầng dưới. Do đó quy định như dự luật là thiếu tính bao quát. Khó quản thì cấm thì gây khó khăn cho hoạt động chăn nuôi của người dân. Đề nghị ban soạn thảo tiếp tục cân nhắc xem xét điều chỉnh quy định cho khả thi hơn. Cần thiết phải có lộ trình phù hợp theo từng vùng miền, hướng chăn nuôi là hoạt động có điều kiện có chế tài nghiêm ngặt…

Trong phiên làm việc ngày hôm nay, với đa số đại biểu đồng ý, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao và Luật Đo đạc và bản đồ.