Quốc hội thảo luận về Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

(VOH) - Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đề nghị tiếp tục làm rõ, rà soát kỹ để đảm bảo tính thống nhất, hợp hiến, hợp pháp…

Chiều 28/10, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa 14, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, các đại biểu cho rằng dự thảo luật cần tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành; nâng cao giá trị pháp lý đối với hoạt động quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia…

Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Ảnh: Quochoi.vn 

Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Ảnh: Quochoi.vn 

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đề nghị tiếp tục làm rõ, rà soát kỹ để đảm bảo tính thống nhất, hợp hiến, hợp pháp, đặc biệt là sự tương thích với các điều ước quốc tế, các luật liên quan đến quản lý cư trú, căn cước công dân. Các quy định hiện có ở các văn bản dưới luật để quy định ngay trong luật bảo đảm bao quát và phù hợp. Cần nghiên cứu bổ sung các quy định mới nhằm ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin trong quản lý và nâng cao chất lượng quản lý đối với công tác này. 

Theo đại biểu Đinh Công Sỹ - đoàn Sơn La, nguyên tắc xuất cảnh nhập được quy định trong dự thảo luật chưa đầy đủ. 

“Vì ngoài các điều kiện quốc tế mà Việt Nam gia nhập ký kết có ràng buộc trách nhiệm giữa các tổ chức quốc gia thành viên thì các thỏa thuận quốc tế theo quy định về pháp lệnh về ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế nay đã được đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2020 thành Luật thỏa thuận quốc tế, sẽ dễ dẫn đến nhiều nghĩa vụ theo nội dung thỏa thuận. Ví dụ như thỏa thuận song phương về việc qua lại biên giới, thỏa thuận song phương về việc công nhận trở lại công dân VN với các nước, hiện nay chúng ta có 18 loại thỏa thuận này” - Đại biểu Đinh Công Sỹ phân tích.

Góp ý về Điều 36 và 37 về tạm hoãn và thủ tục tạm hoãn xuất nhập cảnh, Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, đoàn An Giang cho rằng 3 đối tượng bị tạm hoãn quy định tại các điều này thì theo Luật thi hành án hình sự là 3 đối tượng không được xuất nhập cảnh và không được xuất nhập cảnh thì không nên đặt vấn đề tạm hoãn xuất nhập cảnh tại dự thảo luật này.

“Vấn đề nữa là ở Điều 37 có viện dẫn theo thẩm quyền tạm hoãn là theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và pháp luật thi hành án hình sự thì Bộ luật tố tụng hình sự không có điều luật nào quy định về thẩm quyền tạm hoãn đối với trường hợp này mà tạm hoãn xuất nhập cảnh với tư cách là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự thì Điều 124 Bộ luật tố tụng hình sự là chỉ đối với bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và thời hạn tạm hoãn của họ cũng chỉ kết thúc khi bản án có hiệu lực pháp luật. Tôi đề nghị ở Khoản 2 Điều 36 và Điều 37 chúng ta bỏ quy định với 3 đối tượng này” -  Đại biểu Nguyễn Mai Bộ nói.

Điều 49 của dự thảo Luật về Trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ, theo Đại biểu Nguyễn Minh Đức, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, theo Luật giao dịch về chứng thư số và chứng thực chữ ký số chỉ là dữ liệu điện tử được mã hóa do cơ quan tổ chức được giao phát hành để xác nhận chứng thực chữ ký điện tử cá nhân cụ thể. Nếu như dự thảo luật sẽ dẫn đến phát sinh kinh phí đầu tư các thiết bị bảo mật và lắp đặt đường cáp quang kết nối từ trụ sở của Ban Cơ yếu Chính phủ đến cơ quan cấp hộ chiếu gắn chip điện tử. Hiện chúng ta đang thực hiện chủ trương một việc không nên giao cho nhiều cơ quan để tránh dẫn đến chồng chéo, và nên hạn chế đến mức thấp nhất các cơ quan hành chính và chi phí hành chính phát sinh. Đại biểu đề nghị nên giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp phần mềm và hướng dẫn sử dụng việc sử dụng chữ ký số và hộ chiếu gắn chip điện tử, các phần việc khác nên tính toán đối chiếu lại quy định trong các luật khác để đảm bảo tính thống nhất.

Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa 14, sáng 28/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa ...
Tin tức tai nạn giao thông hôm nay 28/10/2019: Xe cứu thương lao vào nhà dân, tài xế bị thương nặng – Lưu thông khi trời đang mưa lớn, xe cứu thương bị mất lái lao sang làn đường đối diện tông bay hàng rào rồi lao vào nhà dân.
Bình luận