Chờ...

Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống dịch Covid-19

(VOH) - Quốc hội thảo luận về KT-XH, ngân sách nhà nước và công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Hôm nay (25/7), Quốc hội dành phần lớn thời gian của ngày làm việc thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 (trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới). 

Quốc hội thảo luận về KT-XH, ngân sách nhà nước và công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Quốc hội thảo luận về KT-XH, ngân sách nhà nước và công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Mở đầu phiên thảo luận, Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm – đoàn Hà Nội đề cập đến công tác chống dịch và sự tham gia chung sức đồng lòng của toàn xã hội, trong đó có các tổ chức chính trị xã hội và tôn giáo. Đến ngày 20/7, có 612 tình nguyện viên phật giáo, 59 tăng ni và 553 phật tử phát tâm đăng ký chăm sóc bệnh nhân F0 tại bệnh viện dã chiến. Nhiều ngôi chùa xung phong thành bệnh viện dã chiến, nhiều máy thở, phòng áp lực âm được Giáo hội trao tặng thông qua Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhiều ngôi chùa chuyển hàng trăm tấn rau củ vào vùng tâm dịch...

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – đoàn Quảng Bình cho hay, bên cạnh thành tựu đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, đất nước đang đứng trước nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình lớn, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 kéo dài, phức tạp gây ảnh hưởng tới tình hình trong nước.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề xuất một số giải pháp: "Tôi tán thành với các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 như chiến lược vắc xin và ngoại giao vắc xin và các biện pháp 5K và các biện pháp hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên dịch bệnh kéo dài và chưa có dấu hiệu dừng lại, việc ứng phó với dịch bệnh vẫn mang tính ngắn hạn. Vì vậy, như một số quốc gia đã làm, chúng ta cần phải có các giải pháp lâu dài khi Covid-19 có thể sẽ không bao giờ biến mất và phải có chiến lược sống chung với dịch bệnh này hướng tới trạng thái bình thường mới."

"Bên cạnh các vấn đề về hỗ trợ doanh nghiệp hỗ trợ người lao động bảo đảm chuỗi cung ứng sản xuất không bị đứt gãy trong trường hợp chữa bệnh xảy ra tại các khu công nghiệp thì cũng rất cần quan tâm đến quyền lợi của người lao động trong khu công nghiệp bị cách ly để họ được bảo đảm quyền lợi về ăn nghỉ, vui chơi, giải trí, đời sống gia đình. Về nguồn lực tài chính cho công tác phòng chống dịch bệnh, cần đảm bảo nguồn lực lâu dài cho công tác phòng chống đại dịch khi nguồn ngân sách nhà nước còn khó khăn; cần phải huy động các nguồn lực của nhân dân, doanh nghiệp cho Quỹ vắc xin. Các cấp nhà nước cần hết sức tiết kiệm chống tham nhũng lãng phí để tạo nguồn kinh phí" - Đại biểu Nguyễn Minh Tâm nói. 

Các đại biểu cũng nhìn nhận rằng, đợt bùng phát dịch bệnh thứ 4, từ cuối tháng 4/2021 đến nay khiến nhiều người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn. Nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy, thời gian tới việc thực hiện mục tiêu kép sẽ rất khó khăn, nhưng cần kiên trì thực hiện. Trong đó bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là quan trọng nhất.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang – đoàn Đắk Nông đề nghị: "Để thực hiện thành công những mục tiêu này, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khó lường như hiện nay và có thể phức tạp nó được hơn nữa trong thời gian tới. Cả hệ thống chính trị, nhân dân và cử tri cả nước cần đồng hành, đồng lòng chung tay phòng chống dịch bệnh, trong đó Chính phủ; Thủ tướng chính phủ cần thực hiện các biện pháp mạnh hơn nữa. Trong đó, có thể có những biện pháp chưa có luật hoặc khác với quy định của luật hiện hành để có cơ sở pháp lý tạo thể chủ động, linh hoạt của Chính phủ; Thủ tướng chính phủ."

"Việc chủ động quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp mà pháp luật quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 quyết định việc áp dụng các biện pháp chưa có luật khác với quy định của một số loại hiện hành để kịp thời ứng phó với đại dịch covid-19 một đại dịch chưa từng có trên thế giới là rất cần thiết và cần được thực hiện ngay tại kỳ họp này." - Đại biểu Nguyễn Trường Giang nói. 

Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội và chống dịch Covid-19 2
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM). Ảnh: VGP

Bày tỏ đồng tình với dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm của Chính phủ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) có những đóng góp cụ thể về câu chữ liên quan đến nội dung về mục tiêu tổng quát và các giải pháp mà Chính phủ đề ra trong kế hoạch liên quan đến công tác bảo vệ quốc phòng, an ninh; hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác; hoạt động kiểm soát đầu vào của ngành nông nghiệp; công tác quy hoạch và rà soát diện tích đất trồng luá, vùng chuyên canh cây nông nghiệp; việc khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, lãng phí; trách nhiệm giám sát của đại biểu và các cơ quan của Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội;… 

Theo chương trình làm việc, ngày 25/7, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới (phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp).

Từ 16 giờ 45, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.