Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

VOH - Chiều 20/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi với 93,7% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy rằng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay.

Hiện hợp đồng theo mẫu của ngành ngân hàng, bảo hiểm thường là những hợp đồng in sẵn, nội dung rất phức tạp, mang tính nghiệp vụ chuyên ngành. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo luật có quy định bên cung cấp dịch vụ phải giải thích rõ ràng, đầy đủ về hợp đồng cho bên mua về quyền lợi.

Luật được thông qua đưa ra ba điều về vấn đề này: Đơn vị cung cấp dịch vụ phải thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho người tiêu dùng phải chính xác, rõ ràng, minh bạch; vấn đề kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; cung cấp bằng chứng giao dịch…

Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) 1
Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) - Ảnh: Quốc hội 

Đối với vấn đề thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng, luật thông qua quy định việc thông báo về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin, thời hạn lưu trữ thông tin của người tiêu dùng phải thực hiện trước khi thực hiện giao dịch và phải được người tiêu dùng đồng ý.

Theo cơ quan thẩm tra, quy định này áp dụng chung cho cả giao dịch truyền thống và giao dịch trực tuyến. Bởi thực tế, phần lớn các website hiện nay đã thực hiện quy định nêu trên và không gặp vấn đề phát sinh.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân kinh doanh vẫn phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm đối với việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo quy định về xây dựng quy tắc bảo vệ, sử dụng thông tin và đảm bảo an toàn thông tin.

Về giải quyết tranh chấp tại tòa án, Luật sửa đổi lần này đã khẳng định rõ vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ cần có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng là được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không cần đáp ứng bất cứ điều kiện nào khác. Tòa án giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.

Luật cũng bổ sung thêm một số nghĩa vụ cần thiết cho người tiêu dùng để cân xứng với các nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Đơn cử như nghĩa vụ bảo đảm cung cấp chính xác, đầy đủ các thông tin liên quan đến giao dịch; chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ; tuân thủ quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững...

Luật quy định phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Theo đó, tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được giải quyết thông qua các phương thức sau đây: Thương lượng; Hòa giải; Trọng tài; Tòa án.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Bình luận