Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

(VOH) - Sáng 13/6, Quốc hội biểu quyết Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi) và thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Với tỉ lệ 91,32% tán thành, sáng 13-6 Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi.

Trong đó quy định trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh.

Cụ thể, theo dự thảo luật được trình Quốc hội thông qua, người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thuế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài, trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.

Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế trước khi xuất cảnh và có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.

Về quy định mức lãi suất 0,03%/ ngày số tiền chậm nộp thuế: có ý kiến cho rằng ở mức 0,03%/ngày là thấp hơn so với lãi suất ngân hàng, dẫn đến việc các doanh nghiệp cố tình chây ì, chậm nộp tiền thuế để giảm chi phí, do đó cần tăng mức tính tiền chậm nộp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình rằng: Trong giai đoạn vừa qua, do biến động của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì lí do khách quan, do đó để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Quốc hội đã nhiều lần điều chỉnh giảm mức tiền chậm nộp (từ 0,07% xuống 0,05% và hiện nay là 0,03%/ngày). Mặt khác, 0,03%/ngày tương đương 10,95%/năm, trong khi lãi suất huy động bằng VND hiện nay khoảng 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 1-6 tháng và mặt bằng lãi suất cho vay VND hiện nay phổ biến 6-9%/năm đối với các khoản cho vay ngắn hạn. 
Như vậy, mức tiền chậm nộp hiện đã vượt quá mức lãi suất cho vay cao nhất trên thị trường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như dự thảo.

Đại biểu Quốc hội tranh luận. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Việc sửa đổi Luật Dân quân tự vệ tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Dân quân tự vệ hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, tính thống nhất với Luật Quốc phòng sửa đổi năm 2018 và một số luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật.

Dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 8 Chương, 50 Điều (giảm 01 Chương, 16 Điều so với Luật Dân quân tự vệ năm 2009). Một số vấn đề xin ý kiến Quốc hội gồm tính hợp hiến, sự phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi; bố cục của dự thảo Luật; vị trí, chức năng của Dân quân tự vệ; nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Dân quân tự vệ; nhiệm vụ của Dân quân tự vệ; tổ chức, mở rộng lực lượng dân quân, tự vệ; tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp; hệ thống chỉ huy Dân quân tự vệ...

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch sẽ giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Chiều 13/6, Quốc hội biểu quyết Luật Kiến trúc và thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Bình luận