Nghị quyết xác định, tổng số thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong năm 2018 hơn 1 triệu 300 ngàn tỷ đồng; tổng số chi NSNN là trên 1 triệu 500 ngàn tỷ đồng; mức bội chi NSNN là 204 ngàn tỷ đồng, tương đương 3,7% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm: bội chi ngân sách trung ương là 195.000 tỷ đồng, tương đương 3,54% GDP; bội chi ngân sách địa phương là 9.000 tỷ đồng, tương đương 0,16% GDP; tổng mức vay của NSNN, bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của NSNN là trên 363 ngàn tỷ đồng.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Ảnh: Văn Bình - Cổng TTĐT Quốc hội
Lo ngại về thu ngân sách đạt thấp so với 3 năm gần đây, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, giải trình: “Dự toán thu NSNN năm 2017 đã được tính toán trên cơ sở tăng trưởng GDP 7%, do đó, việc ước thu NSNN tăng 2,3% so với dự toán là phù hợp với tình hình thực tế và bảo đảm chủ động trong quá trình điều hành NSNN. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục tích cực chỉ đạo công tác điều hành thu, phấn đấu tăng thu NSNN cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội”.
Về ý kiến của đại biểu đề nghị làm rõ căn cứ xác định mức bội chi NSNN năm 2018 là 3,7%, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, cho rằng: “Dự toán số thu NSNN năm 2018 mặc dù đã tính ở mức tích cực, nhưng so với nhu cầu chi tiêu vẫn thấp; đặc biệt là nhu cầu bảo đảm nguồn tăng chi đầu tư, thực hiện chế độ, chính sách, chi an ninh, quốc phòng...
Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội dự toán bội chi NSNN năm 2018 ở mức 3,7%GDP để bảo đảm nguồn tăng chi đầu tư phát triển. Đồng thời, để phù hợp với mục tiêu kiểm soát bội chi giai đoạn 2016-2020, Chính phủ trình Quốc hội Kế hoạch tài chính – ngân sách 3 năm quốc gia 2018-2020, trong đó bội chi các năm sẽ giảm dần: năm 2018 là 3,7%GDP, năm 2019 là 3,6% và 2020 là 3,4%, bình quân 5 năm bội chi khoảng 3,9%GDP, bảo đảm mục tiêu theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội”.
Trong Nghị quyết về Dự toán Ngân sách Nhà nước 2018, Quốc hội cũng giao Chính phủ thực hiện một số biện pháp điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2018, điều hành thận trọng chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tổ chức thực hiện tốt các Luật phí và lệ phí; Điều hành chi NSNN theo dự toán được giao; thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, cũng thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế bộ máy nhà nước để giảm chi.
Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh giao các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tiếp tục thực hiện các quy định về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm tự cân đối nhu cầu tăng chi do điều chỉnh mức tiền lương cơ sở trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.
Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí điều chỉnh lương hưu, hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương ngân sách khó khăn không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ. Sau khi đã bảo đảm nhu cầu cải cách tiền lương, các địa phương chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương của mình thực hiện các chính sách, chế độ an sinh xã hội do Trung ương ban hành.
Ngay sau khi giải trình và biểu quyết thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, cuối buổi sáng nay, các đại biểu bước vào thảo luận tại Hội trường về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.