Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016

(VOH) - Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi), trong phiên làm việc hội trường sáng nay 11/11, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết: Dự thảo Bộ luật lần này chủ yếu điều chỉnh các đối tượng hoạt động hàng hải thương mại.

Nghe toàn văn bài viết:

Đối với tàu cá, phương tiện thủy nội địa, tàu quân sự, cảng quân sự, cảng cá, cảng thủy nội địa,... hiện đã được điều chỉnh trong các văn bản luật khác. Do đó, không thể đưa tất cả vào điều chỉnh trong Bộ luật hàng hải. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hoạt động của các loại phương tiện, cảng này có liên quan trực tiếp đến hoạt động hàng hải nhưng lại chưa được điều chỉnh trong các văn bản pháp luật nên cần có sự điều chỉnh trong Bộ luật hàng hải. Quy định như vậy là kế thừa Bộ luật hiện hành và phù hợp với các điều ước quốc tế về hàng hải mà nước ta là thành viên. Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý khẳng định:

Thảo luận về dự thảo Bộ luật này, ý kiến đại biểu đề nghị cần bổ sung chính sách xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực hàng hải và chính sách tạo điều kiện cho việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trong hoạt động hàng hải.

Nhiều ý kiến nhất trí quy định việc bảo hộ quyền vận tải nội địa như trong dự thảo Bộ luật. Tuy nhiên, cần rà soát để bảo đảm phù hợp với các cam kết khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cũng như các điều ước quốc tế khác mà nước ta là thành viên. Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải là Cục hàng hải Việt Nam hay Tổng cục hàng hải Việt Nam.

Ảnh minh họa - Nguồn: VCCI.

Trước đó, trong phiên làm việc sáng nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 (trong đó bao gồm việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế; phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên).

Theo đó, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2016 là 1.014.500 tỷ đồng, tăng 9,4% so với ước thực hiện năm 2015. Nếu không tính 30.000 tỷ đồng thu từ tiền bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp thì tổng thu ngân sách Nhà nước tăng 6,1%, mặc dù đây là mức tăng dự kiến thấp, nhưng với tình hình thu từ dầu thô đạt thấp do giá giảm mạnh; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế, một số chính sách thuế đến thời điểm điều chỉnh giảm thuế suất, để bảo đảm tính chủ động, an toàn trong điều hành ngân sách Nhà nước. Báo cáo về Nghị quyết này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết:

Về bội chi ngân sách Nhà nước năm 2016 sẽ ở mức 4,95% GDP (254.000 tỷ đồng, tăng 28.000 tỷ đồng so với năm 2015), nợ công đến 31/12/2016 ước khoảng 63,2% GDP. Đặc biệt, Chính phủ sẽ tiếp tục cơ cấu lại nguồn thu, đảm bảo huy động vào ngân sách Nhà nước từ GDP trên 20%; chi ngân sách Nhà nước đảm bảo tiết kiệm, các khoản chi phải được dự toán; đồng thời, kiên định điều hành lộ trình giảm bội chi ngân sách Nhà nước và nợ công trong giai đoạn 2016 - 2020 theo Luật ngân sách nhà nước năm 2015, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.