Chờ...

Quốc hội thông qua Nghị quyết về phê chuẩn miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

(VOH) - Các đại biểu mong muốn những lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ tiếp tục lãnh đạo đất nước thực hiện được khát vọng của dân tộc “Hùng cường và phồn vinh”.

Đại biểu kỳ vọng Quốc hội nhiệm kỳ mới tiếp tục phát huy đổi mới, sáng tạo

Liên quan đến công tác nhân sự của Quốc hội trong nhiệm kỳ mới, bên hành lang Quốc hội, các đại biểu mong muốn những lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ tiếp tục lãnh đạo đất nước thực hiện được khát vọng của dân tộc “Hùng cường và phồn vinh”.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, đoàn Thành phố Hà Nội cho rằng, những đại biểu được giới thiệu ứng cử vào những vị trí chủ chốt của Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ đều là những người có bề dày kinh nghiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong quá trình công tác ở mọi vị trí công việc, với nền tảng về lý luận và có tinh thần khát vọng đưa Đất nước phát triển trong thời gian tới rất cao.

Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV
Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV, ngày 30/3/2021

Ông Ngọ Duy Hiểu đánh giá: “Các ứng viên đều là những người dày dặn kinh nghiệm, năng động quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao đã trải qua rất nhiều môi trường công tác.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã được ban hành, chỉ rõ con đường đi của dân tộc trong nhiều thập kỷ cũng như mục tiêu của 5 năm tới với một lực lượng lãnh đạo đầy nhiệt huyết, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và quyết liệt sáng tạo tôi tin rằng đất nước ta sẽ vượt qua những khó khăn và sẽ thực hiện được mục tiêu”.

Ngoài các lãnh đạo chủ chốt Nhà nước, Quốc hội sẽ bầu phó thủ tướng, phó chủ tịch Quốc hội và phê chuẩn bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ, với dự kiến có 25 chức danh lãnh đạo sắp được Quốc hội kiện toàn. 

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, đoàn An Giang cho rằng: “Ngay ngày đầu chúng ta đòi hỏi phải tròn trĩnh tất cả về phương pháp. Tôi cho rằng mong muốn và chắc chắn sẽ đạt được đó là càng làm thì kinh nghiệm sẽ càng được nâng cao, chất lượng điều hành sẽ càng tốt lên”.

Đại biểu Phùng Đức Tiến, đoàn Hà Nam kỳ vọng: “Công tác 10 năm, tham gia 2 khóa Quốc hội, tôi tin tưởng sâu sắc rằng sang khóa XV các đại biểu sẽ xuất sắc hơn với tinh thần làm việc trách nhiệm và trí tuệ, bản lĩnh hơn hội tụ kết tinh trí tuệ chung của Quốc hội Việt Nam trong nhiệm kỳ mới, đặc biệt là thời điểm chúng ta phải đẩy nhanh tốc độ Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa để xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh, ngày càng giàu đẹp.

Tôi chắc chắn rằng lãnh đạo Quốc hội khóa mới sẽ kế thừa phát huy truyền thống của Quốc hội Việt Nam trong hàng chục năm qua”.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về phê chuẩn miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội 

Cuối buổi sáng nay 30/3, Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Tờ trình nêu rõ: Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc kiện toàn các chức danh này là do yêu cầu bố trí sắp xếp công tác nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng nhằm tạo sự đồng bộ trong công tác cán bộ.

Đại biểu kỳ vọng Quốc hội nhiệm kỳ mới tiếp tục phát huy đổi mới, sáng tạo 2
429/449 đại biểu Quốc hội tán thành Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Ảnh: VGP)

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân với tỷ lệ 89,38%. Nghị quyết có hiệu lực khi bầu được Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia mới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Theo đó, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, được đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Sau đó, các đoàn về thảo luận ở tổ về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Theo chương trình, sáng 31/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

* Cũng trong chiều nay, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) gồm 8 chương 55 điều.

Đáng chú ý, Luật quy định đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đó là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp là: Người nghiện ma túy không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; Người nghiện ma túy chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện; và người trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.