Quốc hội tiếp tục thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội

(VOH) - Kết thúc ngày làm việc hôm qua, có 44 đại biểu nêu ý kiến, 2 đại biểu tranh luận và 2 Bộ trưởng tham gia giải trình. Sáng nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội.

Phát biểu đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) nhận xét, tăng trưởng GDP 2018 vượt chỉ tiêu Quốc hội là tín hiệu tích cực, nhưng tính bền vững chưa vững chắc khi nguồn lực tăng trưởng phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp FDI. Quy mô xuất nhập khẩu khoảng 200% GDP, cho thấy tăng trưởng dựa vào nhu cầu thế giới nhưng nguồn lực đáp ứng nhu cầu (phục vụ sản xuất của khối FDI) lại nhập từ bên ngoài. Ông đề nghị cần có giải pháp tích cực trong thời gian tới.

Trong khi đó, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đề nghị Chính phủ cần đổi mới phương thức phân bố nguồn lực theo hướng thị trường, phát triển doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, tập trung đầu tư các địa phương đầu tàu kinh tế như Hà Nội, TP HCM. Vấn đề hàng gian hàng giả cũng được nhiều cử tri quan tâm. Đại biểu Thạch Phước Bình nói: “Bà con cử tri rất quan tâm và bức xúc trước tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng nhất là các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu...đề nghị chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên kiểm nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân”.

Quốc hội tiếp tục thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội

Góp ý về cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, biên chế, đại biểu Bùi Văn Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình cho rằng, chi thường xuyên ngân sách chiếm 70% tổng chi ngân sách, nhưng thực chất chi cho bộ máy chỉ khoảng 10% trong tổng số chi này, gồm 13 nội dung như chi quốc phòng, đoàn thể, xã hội... “Khi ngân sách chi cho sự nghiệp y tế, giáo dục là Nhà nước đang bao cấp cho người dân trong 2 lĩnh vực này; nếu không bao cấp thì người dân đi bệnh viện, trường học phải đóng chi phí như khi đi bệnh viện tư, trường học tư. Dư luận đang cho rằng bộ máy là gánh nặng ngân sách. Chúng ta cần truyền thông để người dân nhận thức đầy đủ hơn, tránh tình trạng khi cứ bàn về bộ máy, cải cách, tinh giản là bị xuyên tạc, dẫn đến cách hiểu không đúng đắn” - đại biểu Bùi Văn Phương phát biểu.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) - Phó trưởng Ban dân nguyện chia sẻ lo lắng về phương thức giải quyết, xử lý 12 dự án thua lỗ ngàn tỷ của ngành Công Thương. “Với số dự án thua lỗ lớn như vậy, không thực hiện được thì nên cho phá sản. Còn dự án nào bán được, cho thuê được thì đẩy nhanh tốc độ xử lý, tránh thất thoát vốn Nhà nước” - Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết.

Tham gia giải trình làm rõ thêm một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết lĩnh vực công nghiệp, thương mại đã có sự tăng trưởng toàn diện. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực nền tảng quan trọng; năm 2016 tăng 11,9%; năm 2017 là 14,4% và 9 tháng đầu năm 2018 khoảng 13%. Công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng ổn định trong nhiều lĩnh vực chứ không còn phụ thuộc vào một số ngành như trước.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết, ông nhận thấy Chính phủ đã lạc quan về tình hình tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Ông phân tích, mặc dù giai đoạn 2016-2018 nền kinh tế tăng trưởng khả quan với tốc độ trung bình ước tính khoảng 6,57 %/năm, nhưng việc đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5-7%/năm trong cả giai đoạn 2016-2020 vẫn là thách thức rất lớn.

Bình luận