Quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh công bằng giữa cơ sở Nhà nước và tư nhân

(VOH) – Chiều 6/1, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về những nội dung còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (Điều 110), tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 được chỉnh lý theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Về thẩm quyền của Nhà nước (Bộ Y tế) trong định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, hiện có hai loại ý kiến khác nhau: 

Phương án 1, Nhà nước (Bộ Y tế) quy định giá tối đa dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.

Phương án 2, Nhà nước (Bộ Y tế) quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thanh toán bằng bảo hiểm y tế theo lộ trình, phù hợp khả năng ngân sách nhà nước và chi trả của người dân. Đối với giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, tôn trọng nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Khương Thị Mai  - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng ngành y cần được đầu tư trang thiết bị đào tạo đội ngũ chuyên môn, tiếp cận nhanh và làm chủ các kỹ thuật tiên tiến để đáp ứng được mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho mọi người.

Vì vậy, giá dịch vụ khám chữa bệnh cần phải đảm bảo đủ các yếu tố cấu thành như nhân công, chi phí trực tiếp gồm thuốc, hóa chất, máu…tài sản cố định để các cơ sở khám chữa bệnh có đủ điều kiện, nguồn kinh phí để đầu tư và đảm bảo đời sống cho đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên trong các cơ sở khám chữa bệnh.

Quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh công bằng giữa cơ sở Nhà nước và tư nhân 1
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Trong khi đó, đại biểu Lưu Văn Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk lại lựa chọn phương án 1.

Theo đại biểu Lưu Văn Đức, trong khám chữa bệnh, giá dịch vụ là yếu tố hết sức quan trọng và cũng hết sức đặc thù do hầu như người bệnh không thể thương lượng như các hàng hóa, dịch vụ khác. Do đó Nhà nước cần có cơ chế quản lý phù hợp thông qua việc xác định các yếu tố hình thành giá nguyên tắc tính giá.

Đại biểu cũng cho rằng, nếu không kiểm soát giá khám chữa bệnh theo cầu ở các bệnh viện công thì sẽ dẫn đến tình trạng cơ sở khám chữa bệnh công lập được quyết định giá như cơ sở tư nhân.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội tán thành với quan điểm dịch vụ khám chữa bệnh là dịch vụ đặc thù nên Nhà nước phải quy định rất rõ những bộ phận, yếu tố cấu thành tạo nên giá dịch vụ để tránh tình trạng tùy tiện trong định giá.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, như về yếu tố con người, khấu hao tài sản, cơ sở vật chất, tiền lương, công nghệ thông tin, vấn đề đào tạo.

Quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ nhưng không làm tăng chi phí cho người dân. Bổ sung quy định về phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho phù hợp và thống nhất với quy định của dự thảo Luật Giá.

Quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh công bằng giữa cơ sở Nhà nước và tư nhân 2
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Báo cáo tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, để đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, Luật sẽ quy định sao cho Chính phủ quy định về lộ trình cụ thể của việc tính đúng, tính đủ.

Trên cơ sở lộ trình do Chính phủ quy định, Bộ Y tế sẽ quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán và do ngân sách nhà nước thanh toán.

Bộ trưởng cũng cho biết, quy định cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước được tự quyết định giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được quyết định giá theo Luật hiện hành.

Nhà nước kiểm soát thông qua việc quy định liên quan đến kê khai, niêm yết công khai giá theo quy định của pháp luật về giá và tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra.