Quyết định 13 đưa quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đi đúng hướng

(VOH) - Quyết định 13/2013 của UBND thành phố là một giải pháp đột phá trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn.

Quyết định số 13 của UBND TP.HCM về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2013 - 2015 đã giúp hơn 15.000 lao động có việc làm, trong đó gần 2.000 lao động thuộc diện hộ nghèo, hơn 2.700 phương án sản xuất, kinh doanh được phê duyệt hỗ trợ với tổng vốn vay gần 1,8 tỷ đồng…Những con số ấn tượng này cho thấy Quyết định này đang trở thành động lực giúp nông nghiệp TP phát triển đúng hướng thời gian qua.

Nông dân trồng rau sạch (Ảnh: Lan Hương)

Sáng tạo trong thực hiện các mô hình kinh tế hợp tác

Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, để chuyển sang nông nghiệp đô thị, nhiều huyện ngoại thành TP.HCM đã sáng tạo trong thực hiện các mô hình kinh tế hợp tác, như: lập các HTX sản xuất rau sạch, muối sạch, cây cá cảnh và đạt kết quả cao tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ… Theo Hội Nông dân thành phố, giá trị sản xuất nông nghiệp tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng 6%, ước đạt 16.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tiến Hiệp – Giám đốc Tài chính Công ty Giống cây trồng miền Nam nhìn nhận: “Chính sách này mang lại hiệu quả kép:  thứ nhất là đối với người nông dân sản xuất giống cho chúng tôi, họ được ứng vốn cho quá trình sản xuất; thứ hai là được bao tiêu sản phẩm; thứ ba là được nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác; thứ tư là công ăn việc làm ổn định cho cả gia đình, việc sản xuất ngoài đồng cũng như sản xuất trong nhà máy với dây chuyền kép kín”.

Điểm sáng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng

Trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang trồng lan, cây kiểng, đến nay Thành phố đã có gần 2.000 ha hoa lan, cây kiểng; sản xuất rau sạch đã tăng lên 12.000 ha và hình thành nhiều vùng rau sạch có uy tín trên thị trường, tạo thu nhập cao cho nông dân trồng rau sạch.

Hiện tại mô hình HTX sản xuất nuôi trồng cây cá cảnh đạt nhiều cột mốc đáng kể với tổng đàn cá cảnh đã có khoảng 42 triệu con, đàn bò sữa đạt gần 100.000 con và diện tích hoa cây kiểng gần 1.300 hecta…Đây là thế mạnh của bà con nông dân khi tham gia vào mô hình hợp tác của nông nghiệp đô thị.

Bà Lê Thị Mỹ Phước, giảng viên đại học, đã mở vườn trồng hoa lan ở Hóc Môn cho biết: “Bây giờ trồng những giống hoa đáp ứng được thị hiếu của thị trường thì mới có thể bán được. Trước khi trồng, mình phải xác định là trồng giống này để bán cho những người nghệ nhân sưu tầm, hay trồng để cắt bông bán hay bán chậu”.

Nhờ được hỗ trợ lãi vay ưu đãi, nhiều hộ dân tại huyện Cần Giờ có điều kiện chuyển từ trồng lúa năng suất thấp sang nuôi tôm, nuôi cá hoặc đầu tư làm muối sạch đạt hiệu quả cao. Hay như tại xã Trung An huyện Củ Chi, nhiều hộ gia đình nhờ vốn vay theo Quyết định 13 đã có điều kiện chuyển đổi vườn cây ăn trái sang mô hình du lịch sinh thái, vừa đem lại thu nhập cao, vừa giúp môi trường sống thêm sạch đẹp. Ngoài ra, bà con còn được tạo điều kiện tham gia các hội chợ, chợ phiên.

“Tham gia phiên chợ giúp mình quảng cáo sản phẩm của xã Trung An cho khách ở các nơi biết để đến du lịch vườn Trung An. Chừng khoảng năm 2008 là bắt đầu khách du lịch đến lai rai, thế nên nhà vườn lúc nào cũng sẵn sàng hết”, Chị Nguyễn Thị Cúc, thành viên của Tổ cây ăn trái Trung An chia sẻ.

Từ khi Quyết định 13 về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp có hiệu lực, đã có gần 6.500 lượt vay vốn với tổng vốn vay gần 1,8 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 1.100 hộ nghèo tiếp cận được vốn vay ưu đãi. Bình quân mỗi tháng có 324 hộ dân, doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh được phê duyệt hỗ trợ lãi vay, trong đó các huyện có số hộ, số vốn đầu tư và vốn vay chiếm tỷ lệ cao là Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè...

Ông Đinh Minh Hiệp – Trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM bổ sung thêm về việc kết nối với bà con nông dân: “Tôi rất mong qua kênh của Hội nông dân TP, bà con có nhu cầu thì gởi thông tin về Hội, hoặc gởi thông tin trực tiếp về Ban quản lý, để chúng tôi có được thông tin. Nếu không trả lời liền được thì chúng tôi sẽ vận dụng những mối quan hệ của viện, các trường… trao đổi với Sở Khoa học Công nghệ của TP để làm sao chuyển giao được kết quả cho bà con có một cách hiệu quả và thuyết phục nhất”.

Tăng trưởng ngành nông nghiệp liên tục tăng

Quyết định 13/2013 của UBND thành phố là một giải pháp đột phá trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn. Những chính sách này được người dân, doanh nghiệp đồng tình cao, thể hiện qua việc số lượng đăng ký thực hiện chương trình luôn tăng đều thời gian qua.

Thông qua phương án hỗ trợ vay vốn, cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có sự chuyển đổi phù hợp với quá trình nông nghiệp của thành phố như phát triển nuôi tôm tại huyện Cần Giờ, hoa lan, cây cảnh tại các quận, huyện ven trung tâm, nuôi bò sữa tại huyện Củ Chi…

Ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn TP cho biết, TP đã dần trở thành đầu mối cung cấp giống nông nghiệp của khu vực Đông Nam bộ khi mỗi năm cung cấp khoảng 9,5 triệu cây giống hoa lan cấy mô, 920.000 con heo giống, 25 triệu giống tôm sú, 75 triệu con cá giống nước ngọt. Bình quân xuất khẩu khoảng 9 đến 10 triệu con cá cảnh, 24.000 con bò sữa. Từ đó góp phần đưa tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp liên tục tăng. Giai đoạn 2011 – 2013 tăng bình quân là 5,7% so với cả nước bình quân là 3,3%.

Góp phần hoàn thành chương trình xây dựng Nông thôn mới

Qua 2 năm thực hiện chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, quy mô vốn đầu tư, số vốn vay/hộ, doanh nghiệp tại các quận tăng gấp 3 lần so với các huyện. Qua đó cho thấy, trong quá trình đô thị hóa, tuy quy mô diện tích, số hộ sản xuất nông nghiệp giảm nhưng tỷ lệ đầu tư bình quân của hộ vào một đơn vị diện tích đất nông nghiệp tăng dần, việc sản xuất theo hướng thâm canh hơn, sản phẩm nông nghiệp đô thị, do đó cũng có chất lượng và giá trị cao hơn.

“Thúc đẩy nông nghiệp của TP theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện đại, bền vững; Góp phần thiết thực nâng cao năng suất sản lượng, nâng cao đời sống về vật chất, tinh thần của bà con nông dân, đặc biệt bà con nông dân ở huyện ngoại thành. Góp phần hoàn thành chương trình xây dựng Nông thôn mới của TP, phấn đấu đến cuối năm 2015 theo Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TP.HCM đến năm 2020 trong đó có mảng chương trình phát triển Nông thôn mới”, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP, nhấn mạnh mục tiêu trọng tâm sắp tới.

UBND TP đã có Quyết định số 40 về việc bổ sung thêm một số đối tượng được hỗ trợ lãi vay theo Quyết định số 13 về khuyến khích chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của TP, gồm nghề sản xuất tiểu cảnh, hòn non bộ tại các quận, huyện có sản xuất nông nghiệp; nghề truyền thống, làng nghề truyền thống được Sở NN-PTNT công nhận. Động thái này cho thấy quyết tâm của chính quyền TP trong mục tiêu chuyển dịch cơ cấu sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp đô thị hiện đại, tạo thu nhập cao cho nông dân và thân thiện với môi trường.