Với vai trò trung tâm kinh tế, TPHCM là đầu mối trung chuyển các sản phẩm hàng hóa, bên cạnh đó nhu cầu vận chuyển hàng hóa lưu thông vào TP ngày càng tăng cao. Lợi dụng vào điều đó một số chủ doanh nghiệp cũng như cánh tài xế không ngại chở hàng vượt tải trọng dù biết đó là vi phạm luật.
Xe quá tải vẫn lưu thông phổ biến trên nhiều tuyến đường địa bàn TPHCM, gây ra hiện tượng sụt lún, hư hỏng mặt đường và gây mất an toàn giao thông trong thời gian qua. Nghiêm trọng hơn để trốn trách lực lượng chức năng, đồng thời nâng cao hiệu quả trong kinh doanh không ít các tài xế cố tình phóng nhanh vượt ẩu gây nguy hiểm cho người đi đường.
Nhằm tăng cường kiểm tra kiểm soát xe chở vượt tải trọng cho phép, nhiều giải pháp đã được các cơ quan chức năng tính đến. Vừa qua Tổng cục Đường bộ, Tổng cục 7- Bộ Công an và Sở Giao thông Vận tải cũng đã ký cam kết phối hợp kiểm soát tải trọng xe với 29 đơn vị là các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho hàng hóa lớn trên địa bàn.
Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, việc hạn chế và đi đến chấm dứt triệt để tình trạng xe chở quá khổ quá tải cần có 4 chủ thể tham gia: cơ quan quản lý nhà nước tham gia kiểm soát chặt chẽ, thứ 2 là các chủ phương tiện không để xe chở quá tải lưu thông, tiếp đến là các đơn vị bốc xếp cương quyết không bốc dỡ hàng hóa quá tải và cuối cùng là vai trò của tài xế. Các đơn vị tham gia ký kết lần này đều là những chủ thể đó vì vậy nó mang ý nghĩa hết sức quan trọng. "Mong muốn các chủ hàng, các cơ sớ bốc xếp thật sự có trách nhiệm vì sự phát triển, vì sự an toàn của người dân. Chúng ta cùng với nhau cam kết thực hiện có hiệu quả trong kiểm tra, kiểm soát các phương tiện đảm bảo không quá khổ, quá tải...", ông Chung nhấn mạnh.
Tính đến tháng 12/2014, các trạm, chốt cân trên địa bàn thành phố đã kiểm tra hơn 22.000 lượt xe, phát hiện và xử lý hơn 6.000 trường hợp vi phạm (chiếm 27%), với tổng số tiền xử phạt là hơn 26 tỷ đồng. Lập biên bản vi phạm dồn tải 61 trường hợp, xử phạt hơn 300 triệu đồng, đồng thời áp dụng hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hơn 27 trường hợp.
Cân kiểm tra tải trọng xe - Ảnh: VOV.
Theo các cơ quan thanh tra giao thông, dù đạt được những kết quả như trên tuy nhiên, công tác xử lý xe quá tải gặp không ít khó khăn như: tuyến đường kiểm tra quá hẹp, mật độ phương tiện lưu thông cao, xe chạy thành từng đoàn, nên khi dừng kiểm tra gây ra tình trạng ùn tắc; xe quá tải đối phó với lực lượng liên ngành bằng cách dùng người cảnh giới, dẫn đường, né tránh qua đường nhánh hoặc nằm chờ.
"Việc sử dụng trạm cân lưu động, các thiết bị cân xách tay hiện còn nhiều bất cập, mang tính thủ công, thời gian lắp đặt kéo dài và còn phụ thuộc vào thời tiết. Đồng thời việc xử phạt vẫn làm theo kiểu thủ công, lực lượng chức năng không thể dừng tất cả phương tiện để kiểm tra dẫn đến bỏ sót nhiều xe vi phạm", ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban an toàn giao thông TP, cho hay.
Vì lẽ đó, năm 2015 TPHCM sẽ triển khai hệ thống kiểm soát tải trọng xe tự động lắp đặt trực tiếp dưới lòng đường để giám sát tải trọng các phương tiện vận tải vào TP ở các cửa ngõ chính. Hệ thống sẽ được kết nối về trung tâm để quản lý, đồng thời sẽ thông báo tức thời cho các lực lượng chức năng trên đường nếu có đối tượng vi phạm lưu thông vào TP. Đây là công nghệ đã được áp dụng tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh hệ thống này, TP cũng đang nghiên cứu giải pháp giám sát lộ trình lưu thông thông qua dữ liệu giám sát hành trình GPS để kịp thời phát hiện và xử lý các khu vực tập trung phương tiện sang hàng.
Bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật, các đội thanh tra giao thông vận tải ở các tuyến đường cửa ngõ sẽ chốt tại các tuyến đường nhánh, sử dụng cân cầm tay để kiểm tra, xử lý các xe lẩn tránh, tham mưu cho TP ban hành quy chế quản lý hoạt động của Trạm kiểm tra lưu động trên địa bàn.